Với hơn 53% hộ nghèo, Hoàng Hải là một trong những xã nghèo nhất của huyện Quảng Uyên.
Xã “bốn không”
Khu UBND xã nằm ngay sát trường tiểu học và trung học, khá tồi tàn. Mái ngói đã xô lệch, nên cái nắng đầu mùa oi ả nơi miền sơn cước vì thế xiên cả vào bàn làm việc của ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thái. Xã có 14 xóm hành chính với 441 hộ thuộc 2 dân tộc Tày và Nùng, trong đó người Tày chiếm chủ yếu.
Địa hình Hoàng Hải bị núi đá chia cắt làm 2 khu. Khu Ngoài có 6 xóm, đường đi lại đã được rải đá, nhưng còn lởm chởm. Khu Trong gồm 8 xóm, việc đi lại khó khăn, ngay cả nguồn tưới tiêu cũng hạn chế nên về mùa khô hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
|
Nhờ có đường giao thông nông thôn, bước đầu đời sống người dân xã Hoàng Hải đã thay đổi. |
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vương ở bản Cốc Chia bảo: "Khổ lắm cán bộ à. Chưa có điện thì cái nghèo còn đeo đuổi mãi, con trẻ cũng không học được cái chữ". Không điện, không đường, không trường, không trạm nên đời sống của người dân ở khu Trong còn rất khốn khó. Hầu hết trường học, trạm y tế đều nằm ở khu Ngoài.
Ông Hoàng Văn Thái cho biết: "Địa hình phức tạp quá, nên các cháu khu Trong đi học rất vất vả, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con thật khó khăn. Nếu không nâng cấp được đường giao thông thì hành trình thoát nghèo của bà con dân tộc ở đây còn dài lắm".
Không chỉ gặp khó khăn về đường giao thông, hiện 100% kênh mương nội đồng ở xã cũng chưa được bê tông hóa vì thế, sản xuất nông nghiệp nhất là 8 xóm khu Trong hầu như năm nào cũng chịu cảnh thiếu nước, hạn hán...
Mở đường để đổi đời
Hoàng Hải là xã thuộc diện Chương trình 135 từ năm 2000 đến nay. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay, Hoàng Hải đã đạt được hơn 40%.
Theo ông Hoàng Văn Thái: "Năm 2010 được coi là năm "đột phá" của Hoàng Hải về lĩnh vực đầu tư, phát triển, trong đó có việc xây mới, tu sửa đường giao thôn nông thôn, cấp nước sinh hoạt".
Giờ đây, Hoàng Hải đã hoàn thành tuyến đường Keng Cải, Lũng Nhân, Lũng Ỏ bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2, đồng thời tu sửa và nạo vét được 8km kênh mương. Ngoài ra, 4km đường dân sinh cũng được phát quang, làm mới đường giao thông nông thôn và nội đồng cho 6 xóm.
Ông Hoàng Văn Thái cho biết thêm: "Thực tế, việc xây dựng NTM cũng cần dựa theo những đặc thù của từng địa phương nhằm thực thi một cách linh hoạt và hiệu quả. Ở Hoàng Hải, việc xây dựng đường giao thông nông thôn và bê tông hóa kênh mương phải đi trước một bước".
Cuối năm 2010 đầu 2011 đoạn đường giao thông liên thôn từ cầu Thoong Dìn và Thông Thá cũng đã được hoàn thành. Đặc biệt, 500m đường bê tông ở đoạn đèo Keng Đóng- Lũng Muông cũng đã được đưa vào sử dụng với số tiền gần 30 triệu đồng.
"Chúng tôi vừa nghiệm thu công trình cấp nước tự chảy cho 6 xóm: Muông 1, Muông 2, Muông 3, Lũng Nhân, Thông Thá, Lũng Thốc, đảm bảo nước sinh hoạt cho 180 hộ dân vào mùa khô"- anh Nông Đình Vương, cán bộ xã Hoàng Hải cho biết.
Không chỉ đầu tư vào đường giao thông nông thôn, chính quyền xã cũng đã hỗ trợ bào con mua sắm công cụ sản xuất, phân bón, ngô giống, mua trâu bò; thậm chí tổ chức cho bà con đi tham quan các mô hình sản xuất của tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm.
Hoàng Hải những ngày này như một công trường nhỏ. Khoảng 5km đường trong xã đang được thi công theo Chương trình NTM, 6 tuyến đường bê tông cũng đang được chính quyền xã hỗ trợ xây dựng và chiếc cầu bê tông Thoong Dìn- niềm mơ ước của bà con khu Trong cũng sắp hoàn thành.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.