Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ liệu có khả thi?

Hoàng Hưng Thứ tư, ngày 29/03/2023 12:51 PM (GMT+7)
Ngày 28/3, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã ra văn bản số 04/Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã "nghi ngờ" tính khả thi của Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ.
Bình luận 0

Cảng quốc tế Cần Giờ: Có thể gây lãng phí (?!)

Tại trang phụ lục của văn bản số 04/Ban IV nêu trên cho rằng, các doanh nghiệp ngành logistic phản ánh: Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ do liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất với tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) hơn 112.000 tỷ đồng, có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEUS (khi đưa vào khai thác năm 2027).

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Khu vực bãi biển tại Cần Giờ được cho nằm trong phạm vi quy hoạch của Dự án cảng quốc tế Cần Giờ trong tương lai. Ảnh: VIMC

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án được các nhà đầu tư cho biết sẽ trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND TP.HCM trong quý I/2023. 

Tuy nhiên, đối với dự án này, doanh nghiệp trong ngành có kiến nghị phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư của dự án, tránh gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.

Cụ thể: (1) Cảng trung chuyển Cần Giờ không có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được ban hành theo Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021; (2) Lưu lượng hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Philippines qua vị trí đề xuất cảng quốc tế Cần Giờ theo ước tính chỉ khoảng 1 triệu TEUs được dự báo là lãng phí nguồn lực so với quy mô thiết kế của dự án, đặc biệt khi số vốn đầu tư sẽ phải bỏ ra lớn do chưa có hạ tầng giao thông kết nối tới cảng.

Ngoài ra, nhiều dự án nâng cấp và xây dựng mới có trong quy hoạch, điển hình như Trung tâm Logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, còn chưa khai thác hết công suất; hoàn toàn đáp ứng được năng lực vận tải của khu vực nên việc đầu tư mới trong khi chưa tối ưu hệ thống hiện tại có thể gây lãng phí, giảm nguồn lực đầu tư.

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ liệu có khả thi? - Ảnh 3.

Một phần mô hình "siêu cảng" Cần Giờ sẽ thành hiện thực trong tương lai. Ảnh: VIMC

Doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành logistic kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải và UBND TP.HCM nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả đầu tư của Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ.

Theo ước tính của Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), với vị trí địa lý của cảng Cần giờ thì sẽ thu hút được các hàng hóa trung chuyển: (1)Từ Philippines đi Châu Âu là chủ yếu (do hàng đi Mỹ thì chuyển tải ở Đài Loan thuận tiện hơn) với tối đa khoảng 300.000 TEUs; (2) Từ Campuchia đi các nơi với khoảng 100.000 TEUs; và (3) Từ Thái Lan đi Châu Âu với khoảng 200.000 TEUs.

TP.HCM kỳ vọng "siêu cảng" Cần Giờ

Trước khi có chuyện nghi ngờ về tính khả thi trên từ các doanh nghiệp logistic, thì UBND TP.HCM từng tổ chức nhiều cuộc họp và gửi các văn bản lên các bộ, ngành trung ương, đặt kỳ vọng vào Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ (báo chí còn gọi là "siêu cảng" Cần Giờ).

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ liệu có khả thi? - Ảnh 4.

Trước khi công bố dự án, tại TP.HCM đã diễn ra nhiều cuộc họp, hội thảo... khẳng định "Siêu cảng" quốc tế Cần Giờ rất quan trọng đối với TP.HCM. Ảnh: VIMC

Theo UBND TP, với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, Tập đoàn MSC (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ.

Do đó, khu vực này có điều kiện hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.

Giai đoạn năm 2015 - 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân 7,34%, giai đoạn 2021-2025 dự kiến 5%. Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch đến năm 2020 (116,94 triệu tấn), vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030.

Dự án cảng quốc tế Cần Giờ liệu có khả thi? - Ảnh 5.

Hãng tàu quốc tế MSC cũng ủng hộ việc đầu tư "Siêu cảng" Cần Giờ. Ảnh: VIMC

Vì vậy, UBND TP.HCM cho rằng đã hội đủ điều kiện cần thiết để đầu tư "siêu cảng" Cần Giờ cho TP.HCM. Trong khi đó, ông Pham Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast – nói: "Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển".

Đặc biệt, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp ngân sách, tạo việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển...

Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – cũng cho rằng, việc TP.HCM xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là "rất cần thiết và phải làm ngay". "Siêu cảng" Cần Giờ sẽ góp phần cùng các cảng khác trong khu vực khai thác hiệu quả vận tải biển, thúc đẩy phát triển cho toàn bộ khu vực miền Đông Nam bộ.

Được biết trong những ngày tới, phương án đầu tư Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ sẽ được Chính phủ xem xét, cân nhắc, có nên đầu tư hay không đầu tư.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem