Ngày 2.12, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu UBND 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà bàn giao mặt bằng sạch Dự án hầm đường bộ Đèo Cả cho nhà thầu trong tháng 12. Chưa bao giờ công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở Khánh Hòa lại “nóng” như những ngày này…
Quá gấp rút Tiến độ Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang giậm chân tại chỗ vì “nút thắt” giải phóng mặt bằng. Nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 2.12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc của dự án.
Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư, cho biết, công tác đền bù giải tỏa, tái định cư tại tỉnh Phú Yên đã cơ bản hoàn thành. Nhưng tại tỉnh Khánh Hòa thì chưa thực hiện được và đang trở thành nút thắt cuối cùng, quyết định đến tiến độ chung của toàn dự án. Hiện nay, toàn bộ các khu vực các nhà thầu yêu cầu phải bàn giao mặt bằng trắng (gồm: Gói thầu xây dựng đường công vụ N1, N2, N3; khu cứu hộ cứu nạn Cổ Mã, bãi tập kết vật liệu nổ, bãi đổ thải; khu tái định cư (TĐC) số 2 - Đại Lãnh; di dời hệ thống đường cao thế 22kV khu vực phía hầm đèo Cổ Mã) đều chưa đền bù giải tỏa xong.
Vẫn còn hơn 440 hộ chưa di dời. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Chiến Thắng, đã cho phép Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiến hành ngay công tác xây dựng khu TĐC dù chưa hoàn thành việc giải tỏa.
Phối cảnh cửa hầm Đèo Cả.
Chiều 3.12, ông Trần Kim Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, khối lượng công việc còn lại quá lớn. Nhiều hộ dân không đồng thuận nên địa phương phải mất nhiều thời gian vận động. Chúng tôi sẽ gắng thực hiện và bàn giao dần từng khu vực, công việc hiện nay rất gấp rút và quá cấp tập.
Hàng trăm hộ phải thuê nhà tạm trú
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL1 thuộc địa phận 2 huyện Đông Hòa (Phú Yên) và Vạn Ninh (Khánh Hòa) được xây dựng theo hình thức BOT và BT với chiều dài 13,4 km, tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng hầm Đèo Cả (BOT) là 10.555 tỷ đồng. Sau khi thông hầm (năm 2016) hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến dài 3,9km gồm 2 đường hầm với 4 làn xe, 2 cầu, vận tốc thiết kế là 80km/giờ và có thể chịu được động đất cấp VII.
|
Trong khi việc giải phóng mặt bằng đang phải gấp rút thực hiện để giao đất cho nhà đầu tư thì khu TĐC đã được tổ chức khởi công rầm rộ từ tháng 10.2010 đến nay vẫn chưa được xây dựng. Khu TĐC này rộng 15ha tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) sẽ là nơi đến của hơn 350 hộ bị giải tỏa bởi Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Nhưng hơn 3 năm trôi qua, đến nay khu TĐC này vẫn “bất động”, người dân ở đây vẫn chưa biết sẽ phải đi đâu về đâu.
Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, chậm xây dựng khu TĐC là do ngày 2.10.2013 (tức là 3 năm sau khi khởi công - PV) UBND tỉnh Khánh Hòa mới phê duyệt dự án. Ngày 3.10.2013, UBND huyện Vạn Ninh mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC. Chủ đầu tư đã chuyển 22 tỷ đồng cho huyện Vạn Ninh chi trả bồi thường giải tỏa 165 hộ nhưng đến nay vẫn còn 25 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường nên dự án chưa thể xây dựng.
Còn ông Trần Kim Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, thì cho biết, huyện đã nỗ lực rất lớn trong công tác vận động nhân dân trao trả mặt bằng. Theo kế hoạch mới thì đầu năm 2014 mới bắt đầu xây dựng khu TĐC, cuối năm 2015 mới hoàn thành. Hiện nay, chưa có nhà TĐC nên huyện sẽ thực hiện chính sách chi tiền cho dân thuê nhà trạm trú, chờ dự án…
Mai Khuê (Mai Khuê)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.