Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Bất ngờ báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi tỉnh

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 17/09/2021 20:41 PM (GMT+7)
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định, chính quyền huyện Phù Mỹ chỉ đề xuất Chủ tịch tỉnh xử phạt hành chính hành vi lấn 5,26ha đất rừng, số tiền từ 60 - 150 triệu đồng. Không hề ‘đả động’ thống kê số lượng, trữ lượng cây bị ‘đốn hạ’ cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép.
Bình luận 0

Chỉ lấn đất, "bỏ qua" hành vi phá rừng?

Ngày 17/9, UBND huyện Phù Mỹ đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định về việc Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch lấn chiếm đất xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (tại xã Mỹ An), báo cáo do Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Hữu Duy ký hôm qua (16/9).

Đây là vụ việc rất được dư luận quan tâm và Báo Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh.

Theo báo cáo, ngày 31/8, qua kiểm tra chủ đầu tư đang xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1 (tại xã Mỹ An), nhưng đã san ủi mặt bằng và làm hàng rào (chưa kiên cố) với diện tích 5,26ha, phần đất này do Bản quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý.

Diện tích 5,26ha là đất trồng phi lao ven biển được quản lý bảo vệ, tại thời điểm giao khoán cây trồng phát triển bình thường.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND xã Mỹ An, do nắng hạn nên có nơi cây chết cục bộ.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Bất ngờ báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi tỉnh! - Ảnh 1.

Nhiều gốc cây bị cưa sát gốc nhưng trong báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ không hề nhắc đến số lượng, khối lượng cây bị đốn hạ?. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngày 16/9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ đã tổ chức hội nghị mời Thủ trưởng các đơn vị: Viện kiểm sát nhân dân, Phòng Tư pháp, Hạt kiểm lâm huyện để nghe UBND huyện báo cáo tình hình lấn chiếm đất của Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch.

Qua đó, tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ và các ngành tham dự thống nhất đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử lý.

Cụ thể, Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch xây dựng nhà máy điện mặt trời đã lấn 5,26ha đất là vi phạm quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Hình thức phạt tiền từ 60- 150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn chiếm từ 1ha trở lên.

Cũng theo báo cáo, vụ vi phạm này không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Bất ngờ báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi tỉnh! - Ảnh 2.

Hàng rào dự án đổ ngã tại hiện trường, cạnh nhiều ha đất rừng phòng hộ bị san ủi. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét buộc Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch trả lại 5,26ha đất đã lấn chiếm để giao lại cho địa phương quản lý và thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định. Chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trên.

Điều khá bất ngờ, trong báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ, chủ yếu chỉ xác định hành vi lấn chiếm đất rừng mà không hề thống kê, làm rõ số lượng, khối lượng cây do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý bị 'đốn hạ' cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên liên lạc với Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy - người ký báo cáo gửi UBND tỉnh nhưng vị này không phản hồi.

Cần cơ quan điều tra vào cuộc

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Hơn 5,2ha rừng phòng hộ ven biển hàng chục năm tuổi bị xâm hại. CLIP: Dũ Tuấn.

Lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất, khoảng 5,26ha đất rừng phòng hộ tại xã Mỹ An.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Bất ngờ báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi tỉnh! - Ảnh 4.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đang triển khai tại xã Mỹ An. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Duyên (Duyên Trần) – Công ty Luật Hợp danh FDVN khẳng định, theo nội dung Báo Dân Việt phản ánh, nếu Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất khoảng 5,26ha tại xã Mỹ An và đã chặt phá, san ủi mặt bằng diện tích trên, thì đó là hành vi chặt, phá rừng trái quy định pháp luật và bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 9, Luật Lâm Nghiệp 2017.

"Việc viện lý do dịch bệnh Covid-19 và cho rằng nhà thầu thi công đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi ra bên ngoài phần đất của dự án là khó chấp nhận với một dự án lớn như vậy và vai trò của chủ đầu tư là rất quan trọng", luật sư cho hay.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Bất ngờ báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi tỉnh! - Ảnh 5.

Nhiều gốc phi lao nhiều năm tuổi bị đốn hạ bật gốc tại xã Mỹ An. Ảnh: Dũ Tuấn.

Luật sư Duyên Trần cho rằng, việc lấn đất, chặt phá rừng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật và hậu quả đã gây thiệt hại tới hơn 5ha rừng phòng hộ.

Cần điều tra xác minh các thông tin, để có kết luận cụ thể về vấn đề này, nếu có sự việc trên thì chủ dự án có thể bị xử lý tránh nhiệm pháp lý.

Đặc biệt, nếu có chứng cứ chứng minh rõ ràng các vấn đề thì thậm chí, chủ dự án và các bên liên quan có thể có dấu hiệu đã phạm vào Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 và Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tuy nhiên, vấn đề cần phải điều ra, làm rõ các tình tiết, dấu hiệu liên quan mới có thể có những kết luận chính xác.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Sở NNPTNT Bình Định: "Phá 5,06ha rừng sản xuất, có dấu hiệu tội phạm"

img

Loài cây chủ yếu bị chặt hạ là ngành ngạnh, song giá, trâm, lau lách...., sau khi chặt hạ đã bị đốt. Ảnh: Kiểm lâm.

Một sự kiện 'nóng bỏng' khác ở tỉnh Bình Định có tính chất 'nhẹ' hơn vụ lấn đất phá rừng phòng hộ ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) nhưng đang được ngành chức năng khẩn trương vào cuộc là vụ phá 5,06ha rừng tự nhiên, có chức năng rừng sản xuất, do UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) quản lý.

Kiểm lâm địa phương cho biết, đây là rừng tự nhiên thường xanh nghèo (trữ lượng gỗ nhỏ), việc phá rừng nghi để lấy đất rừng để trồng keo lai.

Khẳng định vụ phá rừng này, diện tích vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm; Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo Công an, Viện kiểm sát, UBND xã Tây Thuận và các cơ quan có liên quan của huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành điều tra, xác minh tìm ra đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem