Biển băng Bắc Cực năm 2016 đang đến mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo Daily Mail, Trái đất đang dần nóng lên, các lớp băng dày ở Bắc cực tan chảy nhanh chóng. Biển băng ở Bắc Cực năm 2016 rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo số liệu từ vệ tinh từ Trung tâm Băng tuyết quốc gia Mỹ, tính đến tháng 6.2016, băng giá tại Bắc Cực chỉ chiếm khoảng 11,1 triệu km2, trong khi con số trung bình trong 30 năm trở lại đây là 12,7 triệu.
1,5 triệu km2 này tương với 6 lần diện tích của Vương Quốc Anh. Băng giá ở Bắc Cực hiện đang tan chảy với tốc độ nhanh vào mùa hè nhưng không kịp hồi phục trong mùa đông.
Với tốc độ như vậy, đến cuối năm 2030, con người có thể sẽ không còn thấy hình ảnh những tảng băng trôi trên biển.
Trong khi băng phản chiếu 90% ánh sáng Mặt trời, đại dương hấp thụ 90%. Do đó, càng ít băng tuyết, Trái đất sẽ càng hấp thụ nhiệt lượng cao hơn. Băng tan giải phóng khí metan, tạo ra hiệu ứng nhà kính giống như khí CO2.
Băng tan nhanh chóng tạo ra nhiều hệ lụy khó lường.
Khi đó, mực nước biển dâng cao, đến một mức độ nhất định sẽ nhấn chìm nhiều thành phố ven biển. Mực nước dâng lên cao cũng sẽ làm cho nước biển xâm nhập vào nội địa dẫn đến hiện tượng nhiễm mặn.
Nhiều loài động vật sẽ bị mất đi nơi cư trú, điển hình là loài gấu Bắc Cực, chim cánh cụt. Chúng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn cũng như nơi trú ẩn vì băng tan nhanh chóng.
Nhóm các nhà khoa học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) đưa ra giải pháp táo bạo nhưng tốn kém là đóng băng Bắc Cực. Họ tạo ra một mạng lưới các phao nổi trên biển dùng hệ thống bơm. Hệ thống này được cung cấp năng lượng bằng các turbine gió.
Nhà vật lý học Steven Desch cùng đồng nghiệp ước tính, 1,4 mét nước biển bơm lên từ tầng dưới trong những đêm mùa đông ở Bắc Cực sẽ tạo ra thêm lớp băng dày một mét. Mỗi turbine gió và hệ thống bơm có thể làm dày thêm lớp băng trong khu vực rộng tương đương 15 sân bóng đá.
Dự án đóng băng Bắc Cực cần đến 10 triệu turbine gió và chi phí lên tới 500 tỷ USD.
Như vậy, cần đến 10 triệu turbine gió để bao trùm khu vực rộng lớn ở Bắc Cực, cũng như đảm bảo cho dự án đem lại hiệu quả.
Tiến sĩ Desch chia sẻ: "Biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đang ở mức báo động. Vì thế chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn tình hình trở nên xấu đi”.
“Dự án đóng băng Bắc Cực bằng cối xay gió và máy bơm có thể là ý tưởng điên rồ và gặp nhiều thử thách. Nhưng đó cũng có thể được coi là phương án giúp ngăn chặn sự tan nhanh của lớp băng Bắc Cực”, ông Desch nói.
Dự án được kỳ vọng có thể làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tan băng ở Bắc Cực. Nhưng chi phí của dự án này hết sức tốn kém.
Ước tính cần đến 50 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm, tổng cộng lên tới 500 tỷ USD. Dự án sẽ chỉ có thể trở nên khả thi nếu như tất cả các nước trên thế giới cùng chung tay giúp sức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.