Dự án tuyến đường sắt 100.000 tỷ: Đừng vì số vốn ít ỏi mà phải luỵ Trung Quốc?

29/11/2019 08:00 GMT+7
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc tài trợ 10 triệu NDT lập quy hoạch cho dự án tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng là đang nhằm mục đích có được suất đầu tư. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, số tiền này Việt Nam hoàn toàn có khả năng chi trả nếu cần, không vì việc Trung Quốc tài trợ mà phải lụy họ!

Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng đang vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận. Trước những ý kiến không đồng tình, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định, dự án này được đưa vào danh mục nghiên cứu trong chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002.

Cụ thể, tại Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có chiều dài dự kiến khoảng 380 km, đường đôi khổ 1.435 mm điện khí hoá. Căn cứ chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt này được đưa vào danh mục nghiên cứu làm cơ sở dành quỹ đất, huy động nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai xây dựng.

Trung Quốc tài trợ 10 triệu tệ nhằm có suất đầu tư ở dự án 100.000 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, liên danh tư vấn Trung Quốc đã gửi Bộ Giao thông vận tải về báo cáo nghiên cứu cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng - Trung Quốc. Chi phí nghiên cứu quy hoạch do phía Trung Quốc tài trợ.

Trao đổi với Etime, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Trung Quốc đứng ra xin tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch là đang nhằm mục đích có được suất đầu tư ở dự án. Chi phí tài trợ của họ không lớn, nên cần cân nhắc, không nên ưu tiên nếu có tổ chức đấu thầu.

Cũng theo ông Doanh, điều quan trọng nhất của dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng là phải xem xét tính hiệu quả của nó. "Mỗi ngày tàu chạy 15 chuyến, vậy sẽ chở hàng gì, hành khách từ đâu, số lượng hành khách bao nhiêu để lấp đầy 15 chuyến đó? Đầu tư 100.000 tỷ đồng là con số lớn nên phải chứng minh được tính hiệu quả. Đã từng có nhiều tuyến đường sắt đầu tư lớ nhưng không có hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước", ông Doanh nhấn mạnh.

Trung Quốc tài trợ 10 triệu tệ nhằm có suất đầu tư ở dự án 100.000 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Bình luận về việc đây là dự án chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, ông Doanh cho rằng, dù đó là chiến lược quốc gia nhưng không có nghĩa là phải thực hiện bằng mọi giá. "Chúng ta có thể thực hiện chiến lược khi đất nước phát triển hơn, khi có điều kiện. Đặc biệt là khi đã tính được hiệu quả của dự án. Đừng biện minh đó là chiến lược mà cố làm một dự án không mang lại kết quả gì", ông Doanh nói.

Cùng ý kiến này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đầu tư tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng là lãng phí. "Hiện chúng ta đã đổ quá nhiều tiền cho các dự án ở phía Bắc. Với dự án này, nói cho cùng sẽ chạy có mục đích phục vụ hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thậm chí chúng ta có nguy cơ trở thành cửa ngõ để hàng Trung Quốc đi nhiều nước khác.

Trong bối cảnh hiện nay, giao thương với Trung Quốc cần có chấn chỉnh lại để làm sao cho đỡ thua thiệt với Việt Nam, làm sao cho hàng Trung Quốc nhập khẩu không chèn ép các mặt hàng nội địa. Do đó cần tính toán lại, chiến lược là một chuyện còn thực hiện dựa trên thực tế là câu chuyện đáng phải bàn", bà Lan nói.

Bình luận về việc Trung Quốc viện trợ 10 triệu NDT (32,8 tỷ đồng) cho chi phí khảo sát, lập quy hoạch của dự án, bà Lan cho rằng, số tiền này nằm trong khả năng của chúng ta và Việt Nam có khả năng chi trả nếu cần. Họ đang nhắm đến suất đầu tư của dự án, theo đó, không thể vì số vốn ít ỏi này mà lụy Trung Quốc.

"Thật vớ vẩn! Quy hoạch của Trung Quốc làm trên đất nước Việt Nam và chúng ta phải theo vì số tiền tài trợ. Hơn nữa, hiện năng lực làm đường sắt của chúng ta đang yếu kém, vậy việc trúng thầu sẽ là ai ngoài Trung Quốc? Ai cũng sẽ nghi ngờ điều này. Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá về những công trình do Trung Quốc làm, thế nên phải thận trọng", bà Lan nói.

Quy hoạch tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng xây dựng theo hướng Đông qua 8 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài 25 km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Ong Lý
Cùng chuyên mục