Dự án Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng chậm tiến độ giải ngân được 320 tỷ

Thế Anh Thứ ba, ngày 13/08/2019 08:35 AM (GMT+7)
Tại buổi kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án còn chậm nhiều so với tiến độ. Từ đầu năm đến nay, dự án mới giải ngân được 320 tỷ đồng trong tổng số 900 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch giao năm 2019 là chậm.
Bình luận 0

Báo cáo về tiến độ dự án, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cam kết dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào tháng 9/2020. Hiện, dự án đã triển khai thi công được 14 tháng, trong đó gói 1 đạt 44,4% khối lượng, chậm 5,3%; gói số 2 thi công đạt 45,2%, chậm 5,6%”.

Ông Roãn khẳng định, việc chậm trễ đôi chút có nhiều nguyên nhân khách quan cụ thể: Mặt bằng của dự án thay đổi so với ban đầu nên phải thực hiện một số nội dung điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cần thời gian phê duyệt điều chỉnh để triển khai thi công.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi kiểm tra dự án.

“Việc vận chuyển dầm lớn khoảng 100 tấn phải sử dụng xe siêu trường, siêu trọng nên thủ tục cấp phép do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định kéo dài, đến giữa tháng 4/2019 mới có giấy phép dẫn đến việc triển khai thi công lắp đặt các nhịp cầu và bản mặt cầu bị chậm”, ông Roãn cho hay.

Theo ông Roãn, công trình chậm tiến độ một phần là do yêu cầu phục vụ sự kiện ngoại giao Triều Tiên - Hoa Kỳ, dự án phải dừng thi công khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ bản mặt bằng của dự án đã được TP.Hà Nội bàn giao cho các nhà thầu.

Đánh giá về dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án còn chậm nhiều so với tiến độ. Từ đầu năm đến nay, dự án mới giải ngân được 320 tỷ đồng trong tổng số 900 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch giao năm 2019 là chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ban QLDA Thăng Long, các nhà thầu và đơn vị liên quan phải tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án Ban QLDA Thăng Long phải chỉ đạo các nhà thầu tăng cường vận chuyển dầm, gia cố thép thi công bản mặt cầu.

Đồng thời, các đơn vị liên quan phải có giải pháp thu hẹp rào chắn, hoàn trả mặt đường để người dân đi lại thuận lợi và phối hợp với TP.Hà Nội xử lý một số vị trí còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công cọc khoan nhồi.

Cùng với đó, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà soát lại các nhánh lên xuống của dự án. Trường hợp điều chỉnh thiết kế cơ sở cần phải đảm bảo tiến độ hoàn thành trước 31/12/2020.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn của Bộ cùng với các đơn vị liên quan trực tiếp lên trên cầu Thăng Long, TP.Hà Nội kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ hư hỏng để tìm phương án khắc phục sửa chữa mặt cầu.

Báo cáo về tình hình hư hỏng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết: “Tình trạng các khe co dãn trên cầu bị hư hỏng diễn ra từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 đơn vị đã tiến hành khắc phục sửa chữa, việc quản lý khe co giãn thuộc về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”.

Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Cục Đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Tại sao không sửa luôn khe co giãn này mà lại để kéo dài nhiều năm như vậy?. Thời điểm này, nếu không sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa, vì khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành đi vào hoạt động mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn nên sẽ khó sửa chữa cầu”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, yêu cầu các đơn vị quản lý cầu và Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm bị hư hỏng để đưa ra đánh giá mức độ xuống cấp. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu các phương án để tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long trong thời gian sớm nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem