Dự báo giá thịt heo tăng, các "ông lớn" ngành chăn nuôi sẽ "rũ bùn đứng dậy" từ nửa cuối năm 2023?

14/05/2023 07:03 GMT+7
VBCS kỳ vọng giá thịt heo sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023, khi nguồn cung sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-41% qua các năm.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa cập nhật báo cáo phân tích triển vọng ngành chăn nuôi heo với tựa "Rũ bùn đứng dậy".

Dự báo biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-41% qua các năm

Trong năm 2022, giá cám heo trung bình đạt 14,4 triệu VND/ tấn (tăng 21% so với năm trước). Giá cám heo tiếp tục tăng lên 15,12 triệu VND/ tấn trong quý I/2023. Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trong năm 2022 khiến người dân không có nhu cầu tái đàn, do đó giá heo giống giảm mạnh 36% về mức 1,27 triệu VND/ con (7-10kg). Sang 3 tháng đầu năm 2023, do tổng đàn sụt giảm và giá heo hơi bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ từ tháng 4 khoảng 1.000-2.000 VND/kg, nên giá heo giống cũng tăng nhẹ 6% lên mức 1,31 triệu VND/ con (7-10kg).

Từ sang nửa tháng 4/2023, giá thịt heo Việt Nam bắt đầu tăng nhẹ, dao động quanh mức 49.900-51.300 đồng/kg. Nguyên nhân một phần là do dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trở lại, khiến người dân lo ngại tích trữ thực phẩm nhiều hơn. Đồng thời, tốc độ tăng của đàn heo ở Việt Nam cũng đang giảm dần trong thời gian gần đây, giảm lần lượt từ 10,4%; 8,6% về 6,2% so với cùng kỳ trong 3 tháng đầu năm 2023.

Dự báo giá thịt heo tăng, các "ông lớn" ngành chăn nuôi sẽ "rũ bùn đứng dậy" từ nửa cuối năm 2023? - Ảnh 1.

Theo VCBS, trong giai đoạn 2016-2022, người dân Việt Nam có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các loại thịt cao cấp hơn như thịt bò, gia cầm và hải sản, giảm tiêu thụ thịt heo. Do thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng liên tục từ 3-9% từ mức 2.761 USD/người/năm ở năm 2016 lên 4.100 USD/ người/năm ở năm 2022. Tuy nhiên, thịt heo vẫn là nguyên liệu cho nhiều món ăn truyền thống của người Châu Á nên xu hướng giảm sẽ chững lại ở mức nhất định.

Theo dự báo của OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 Châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.

Dự báo giá thịt heo tăng, các "ông lớn" ngành chăn nuôi sẽ "rũ bùn đứng dậy" từ nửa cuối năm 2023? - Ảnh 2.

Với góc nhìn ngắn hạn, VCBS cho rằng, lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, chi tiêu người dân có thể sớm phục hồi. Nguồn cung nội địa cuối năm được kỳ vọng sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi (chiếm 38% sản lượng nội địa) e ngại tái đàn. Quy mô đàn nái tại Trung Quốc có dấu hiệu giảm, song năng suất tốt, theo đó nguồn cung thịt heo nước này được dự báo sẽ cao cho tới giữa năm, và giảm dần vào cuối năm.

Vì vậy, VBCS kỳ vọng giá thịt heo sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023, khi nguồn cung sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-41% qua các năm.

Doanh nghiệp chăn nuôi sẽ "rũ bùn đứng dậy"?

Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) đã công bố tình hình kinh doanh quý I/2023 với doanh thu đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp ghi nhận âm 70 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 254 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của DBC âm 320 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 8,6 tỷ đồng.

Năm 2023, DBC tập trung đầu tư tăng quy mô đàn trong bối cảnh quy mô đàn heo đang ở mức thấp. Cho tới thời điểm giữa tháng 4/2023, tổng đàn heo của DBC đạt 120.000 con (giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái). DBC đang nỗ lực tái đàn trở lại bằng việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào trang trại mới ở Thanh Hóa để nuôi 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà.

Đến tháng 7/2023, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập thêm 6.000 lợn bố mẹ và nhập tiếp 6.000 lợn ông bà vào cuối năm. Dự kiến đàn lợn sẽ cho ra doanh thu khoảng 3.488 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Đáng chú ý, sau khi đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào nghiên cứu vắc-xin cho dịch tả lợn châu Phi, trung tuần tháng 4/2023, DBC đã nghiên cứu thành công ra loại vắc-xin với tỷ lệ chết là 0%. DBC sẽ đưa vắc-xin vào sử dụng tối thiểu 2 vùng chăn nuôi của mình trước bao gồm Bắc Ninh và Phú Thọ.

DBC đang lắp đặt nhà máy vắc-xin để tháng 6/2023 sẽ bắt đầu đưa vào chạy thử và cho ra sản phẩm thương mại vào quý IV/2023. DBC đã ký thêm được hợp đồng sản xuất vắc-xin dịch tả lợn cổ điển, dịch lở mồm long móng trong năm 2023. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu vắc-xin dịch lợn tai xanh sau khi nghiên cứu thành công 3 loại vắc-xin nêu trên.

VCBS dự báo, năm 2023, DBC sẽ ghi nhận doanh thu thuần 11.977 tỷ đồng, tăng 3,63% so với năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 1.729%, đạt 95 tỷ đồng, do mức lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ đạt 5 tỷ đồng.

Trong quý 1/2023, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 4 tỷ đồng, giảm 96%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,2% về còn 7,8%. Đây là mức lợi nhuận quý thấp kỷ lục của công ty từ khi niêm yết tới nay.

Do mảng thương mại các mặt hàng nông sản không mang lại biên lợi nhuận cao nên BAF đang lên kế hoạch cắt giảm hẳn mảng này cho đến năm 2026. Trong năm 2023, BAF sẽ xây dựng thêm 19 trang trại mới với quy mô tối đa 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt cho mỗi trang trại. Cho tới thời điểm quý I/2023, đã có 10 trang trại được khởi công xây dựng.

Hiện nay BAF đang sở hữu 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi là Phú Mỹ và Tây Ninh với công suất là 60 và 200 nghìn tấn/năm. Tháng 8/2022, BAF tiếp tục xây dựng thêm nhà máy cám Nghệ An với công suất 180 nghìn tấn/năm.

Theo VCBS, việc mở rộng quy mô dự báo sẽ giúp BAF nâng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2023 lên 392%, sản lượng con giống lên 104%. Doanh thu mảng chăn nuôi dự kiến sẽ đem về cho BAF 4.617 tỷ VND trong năm 2023 (tăng 236% so với năm trước), lợi nhuận thuần tương ứng là 358 tỷ đồng. Biên lợi nhuận mảng thương mại được dự phóng sẽ duy trì ở mức 1,2% trong giai đoạn 2023 – 2025. Biên lợi nhuận mảng 3F dự phóng sẽ duy trì trong khoảng 8 – 10% giai đoạn 2023 – 2029.

Ngoài thuê các nhà máy chế biến thịt ở bên ngoài, BAF đang triển khai xây dựng hai nhà máy giết mổ chế biến thịt Bình Phước và Hòa Bình với công suất 240 con/giờ cho một nhà máy. Sản phẩm thịt heo của BAF đã bắt đầu được phân phối ra thị trường từ năm 2023.

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến thịt heo được dự báo sẽ mở rộng từ năm 2024 trước kỳ vọng giá thịt heo tăng (do số lượng đàn heo đang có xu hướng giảm và nhu cầu thịt heo tăng cao vào các dịp lễ Tết cuối năm), đồng thời giá thức ăn chăn nuôi đang dần hạ nhiệt về mức đầu năm 2022.

Dự báo năm 2023, VCBS cho rằng, BAF sẽ ghi nhận doanh thu thuần 6.901 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế 196 tỷ đồng, giảm 31%. Kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn vào năm 2024, với doanh thu thuần tăng 43% và lợi nhuận sau thuế tăng 142%.


O.L
Cùng chuyên mục