Dự kiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có doanh thu 76,1 tỷ năm 2022

18/06/2022 09:03 GMT+7
Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) là đơn vị quản lý đoàn tàu chạy tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ghi nhận năm 2021, doanh thu 5,3 tỷ đồng, lỗ trước thuế 63,7 tỷ đồng.

Hanoi Metro là đơn vị quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông 

Báo cáo tài chính của Hanoi Metro cho thấy, kể từ khi được thành lập và chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, Hanoi Metro ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tục và chỉ mới có doanh thu từ năm 2021 khi tuyến đường đi vào vận hành.

Lý giải về hoạt động kinh doanh thua lỗ, Hanoi Metro cho biết, kết quả kinh doanh bị tác động bởi Covid-19 nhưng không thể ước tính được một cách hợp lý các ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác từ ngày 6/11/2021 và chính thức thu phí hành khách từ ngày 21/11/2021. Như vậy, Hanoi Metro có doanh thu từ việc khai thác tuyến tàu điện này trong khoảng hơn 1 tháng cuối năm, từ 21/11 đến 31/12/2021.

Dự kiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có doanh thu 76,1 tỷ năm 2022 - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang hoạt động ổn định. Ảnh: Viết Niệm

Năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, cao gấp gần 90 lần so với cùng kỳ, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng và nếu hoàn thành sẽ là năm đầu tiên đơn vị này ghi nhận lãi.

Trong đó, riêng mục tiêu doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt là 76,1 tỷ đồng, tương ứng gần 16% tổng doanh thu.

Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 7,94 triệu hành khách, với lượt tàu chở khách là 82.495 lượt. Bình quân tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ đón khoảng 96 hành khách cho mỗi chuyến tàu trong năm 2022.

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng

Theo lãnh đạo Metro Hà Nội, tỷ lệ hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sử dụng vé tháng trên tuyến vào giờ cao điểm chiếm 70%, tính chung cả ngày, khách đi vé tháng sắp đạt 50%.

Metro Hà Nội cũng dự báo lượng khách sẽ tiếp tục tăng và mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng khách đi tàu sau khi học sinh, sinh viên ở các trường đi học trở lại hoàn toàn.

Hiện, có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh -  Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8 - 9 tuyến buýt.

Metro Hà Nội cũng đã trang bị bảng biểu thông báo hệ thống tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ nắm bắt được thông tin các tuyến buýt kết nối.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách đi tàu trên đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng khoảng trên 30% (bình quân khoảng hơn 10.000 khách/ngày, riêng thứ Bảy và Chủ Nhật là 15.000 khách) so với những tháng trước đó.

Số lượng hành khách tăng trong thời gian qua được Metro Hà Nội nêu ra là do tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động ổn định và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường, văn minh lịch sự… nên dần hình thành văn hóa Metro.

Hành khách sử dụng Metro làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể tiếp chuyển loại hình xe buýt được kết nối rất tiện lợi ở các nhà ga trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.


Thế Anh
Cùng chuyên mục