Dự kiến tăng hơn 30.000 học sinh, TP.HCM áp lực chỗ học trong năm học mới
Dự kiến tăng hơn 30.000 học sinh, TP.HCM gặp áp lực về chỗ học trong năm học mới
Mỹ Quỳnh
Thứ bảy, ngày 14/08/2021 18:20 PM (GMT+7)
Ngày 14/8, Sở GD-ĐT TP.HCM gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 lên UBND thành phố.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trong năm học 2021-2022, toàn thành phố sẽ tăng khoảng 30.939 học sinh (27.991 học sinh hệ công lập và 2.948 hệ ngoài công lập). Trong đó, bậc tiểu học tăng mạnh nhất với 31.517 học sinh, bậc mầm non tăng 5.140 học sinh, bậc THPT tăng 1.015 học sinh. Chỉ duy nhất bậc THCS là giảm 6.733 học sinh.
Những nơi tăng học sinh ở bậc tiểu học nhiều nhất là những quận, huyện đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng cơ học cao. Đó là: TP.Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.
Ở năm học trước (2020-2021), số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 373.624 học sinh, chiếm tỷ lệ 22,2% số học sinh toàn thành phố. Áp lực này đã làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (đặc biệt ở cấp tiểu học), tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày giảm, các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều eo hẹp.
Sở cũng cho biết, dù số lượng học sinh tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ trường ngoài công lập đang có xu hướng giảm trong khoảng 4 năm trở lại đây. Cụ thể, tỷ lệ trường ngoài công lập tăng trong năm 2017 là 11,74%, năm 2018 giảm xuống còn 10,04%.
Đến năm 2019, con số này chỉ còn 6,22%, năm 2020 còn 3,03% và năm 2021 chỉ còn 1,77%. Hai năm trở lại đây, số trường phổ thông (tiểu học, THCS và THPT) ngoài công lập không tăng, chỉ tăng thêm một số cơ sở giáo dục mầm non.
Vì dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hướng rất lớn đến ngành giáo dục, hầu hết cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là cấp học mầm non.
Chỉ tính riêng trong năm học 2020-2021, toàn thành phố có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường và 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.
Ngoài ra, TP.HCM đang gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Được biết, trong năm 2020, Thường trực UBND TP.HCM đã nhiều lần họp bàn nhưng các sở, ban, ngành liên quan chưa tìm được hướng tháo gỡ.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ xây dựng các công trình trường học trong hệ thống trường công lập đều bị chậm.
Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, hầu hết công trình xây dựng, sửa chữa đều đang chậm tiến độ, không kịp hoàn thành theo kế hoạch ban đầu. Dự kiến đến ngày 5/9/2021, toàn thành phố sẽ không có phòng học mới nào kịp đưa vào sử dụng.
Trước đó, để giải quyết bài toán thiếu chỗ học cho con em người dân, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 42 dự án với 591 phòng học mới với tổng mức đầu tư 1.630 tỷ đồng. Trong đó, bậc học được dự kiến tăng thêm số phòng học nhiều nhất là bậc tiểu học với 168 phòng. Kế đến là bậc THCS với 99 phòng, bậc mầm non tăng thêm 53 phòng và các bậc học khác tăng 15 phòng.
Cụ thể, 6 địa phương dẫn đầu số lượng học sinh tăng nhiều nhất khiến nhu cầu phòng học từ đây đến cuối năm 2021 cần tăng cao là huyện Hóc Môn (cần tăng thêm 181 phòng), quận Gò Vấp (cần tăng thêm 42 phòng), quận 12 (cần tăng thêm 33 phòng), TP.Thủ Đức và quận Bình Tân (cùng tăng thêm 30 phòng) và huyện Bình Chánh (cần tăng thêm 8 phòng).
Như vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bài toán giải quyết chỗ học cho người dân càng trở thành áp lực cho các địa phương.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT khẳng định, trong năm học 2021-2022, thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Dẫu vậy, sĩ số học sinh/lớp còn cao, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.