Tiền tăng cũng vẫn phải đợi
Đến Bệnh viện (BV) K T.Ư từ 7 giờ sáng nhưng 9 giờ bà Nguyễn Thị M (Tuyên Quang) vẫn mệt mỏi chờ đợi đến lượt khám của mình. Còn ông Trần Hồng Q (Hà Nội) được con xếp hàng từ 6 giờ sáng, đã khám nhưng kết quả xét nghiệm dự tính phải 11giờ mới có. “Theo lời của lãnh đạo Bộ Y tế, viện phí tăng sẽ giúp tăng chất lượng, bao gồm cả việc thay đổi phong cách phục vụ, giảm thời gian chờ đợi. Nhưng tình trạng quá tải, chờ lâu, ngột ngạt này khó có thể giảm ngay nhờ viện phí được” – ông Q nhận định.
Khám chữa bệnh tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Dương Ngọc
Theo ông Q, Bộ Y tế mới chỉ có quy định nếu nằm ghép 2 sẽ giảm 50% tiền giường, ghép 3 giảm 70% tiền giường. Nhưng còn tiền khám bệnh khi chờ đợi lâu sao không giảm?
TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng – cơ quan phản biện y tế cho rằng, người dân có quyền nghi ngại về chất lượng y tế không tăng tỷ lệ thuận với viện phí. Vì nhiều người vẫn chưa nhận thấy trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) đòi hỏi bên cung cấp dịch vụ (các cơ sở y tế) phải đảm bảo các tiêu chuẩn khám chữa bệnh như thế nào mới được thu viện phí. Mọi quy định, dịch vụ đều do ngành y tế quy định, cung cấp, người dân buộc phải theo. Họ chưa thấy được sự bảo vệ, bênh vực của BHYT. “BHYT đại diện cho “túi tiền”, quyền lực của bệnh nhân nhưng hiện nay lại “hiền” quá. Đó là vì trong Luật BHYT đã quy định mọi người dân “bắt buộc” phải tham gia BHYT, các cơ quan, chính quyền đều phải có trách nhiệm vận động người dân tham gia BHYT. BHYT cũng không lo áp lực “vỡ quỹ” vì nếu vỡ Nhà nước sẽ bù vào. Do đó, BHYT không cần phải tạo sức ép quá lớn lên các cơ sở y tế, đòi hỏi một chất lượng dịch vụ khắt khe hơn. Trước khi viện phí tăng, BHYT cần có “quy chuẩn” về chất lượng khám chữa bệnh, sao cho xứng với “đồng tiền bát gạo” – TS Tuấn khẳng định.
Không thể tăng ngay chất lượng
"Hiện chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch quá lớn khiến nhiều người bệnh vượt tuyến dẫn đến quá tải bệnh viện. Vì thế, viện phí tăng cần kèm theo sự thay đổi đồng bộ về chất lượng bệnh viện tuyến dưới, tạo niềm tin, thương hiệu cho người dân. BHYT cũng phải tăng cường vào cuộc “đòi” quyền lợi cho người bệnh”.
TS Trần Tuấn
|
Theo TS Tuấn, việc tăng giá viện phí đối với nhóm có BHYT, đương nhiên các bệnh nhân có lợi hơn vì sẽ giảm được nhiều vật tư y tế phải mua ngoài mà trước đây vì giá thấp nên BHYT không đưa vào cấu thành giá. Tuy nhiên, các dịch vụ y tế bên ngoài cũng thường trông theo BHYT để quy định giá nên giá khám chữa bệnh BHYT tăng thì các dịch vụ khác cũng tăng theo. Do đó, ngoài việc tăng viện phí, BHYT cần tăng thêm danh mục các dịch vụ và danh mục thuốc được BHYT chi trả. Có vậy quyền lợi của người dân mới được bảo đảm toàn diện.
Rất nhiều BV đã rục rịch thay đổi để “đón” viện phí mới. Tại BV Bạch Mai, BV đã xây dựng quy chuẩn “một chiều, một cửa” để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người bệnh. Hiện người có BHYT có quy trình khám chữa bệnh đơn giản hơn người không có BHYT.
Còn BV K T.Ư đang triển khai mô hình tiếp sức người bệnh nhằm giãn bớt việc cho nhân viên y tế, tránh người bệnh thiếu thông tin, đi lòng vòng, bị cò mồi lừa. Hiện tại BV luôn có 50 tình nguyện viên giúp trả lời thắc mắc của bệnh nhân, hướng dẫn người bệnh đến đúng khoa phòng...
Dù vậy, ông Trương Quý Dương - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng không lạc quan cho rằng tăng viện phí sẽ tăng ngay được chất lượng. “Không có tiền không có chất lượng nhưng tiền không phải điều kiện duy nhất. Tiền không phải là cây đũa thần có thể “hô biến” chất lượng BV. Để thay đổi phải có thời gian để giải quyết nhiều “tồn dư” từ trước như điều kiện cơ sở vật chất, năng lực bác sĩ…
Còn PGS-TS Nguyễn Hoài Sơn – Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, viện phí tăng, tiền tăng thì đương nhiên các BV có thêm “công cụ” để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực bác sĩ… Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cần tạo thêm “quyền lực” cho lãnh đạo BV để họ phát huy quyền tự chủ của mình một cách tối đa. Ví như có quyền tuyển, quyền sa thải nhân viên nếu như họ không đạt yêu cầu của BV. Theo TS Sơn, chẳng có nước nào mà nhân viên y tế phải học y đức, ngành y tế phải phát động phong trào “thay đổi thái độ phục vụ” cả. Vì họ đã vào bệnh viện là phải làm tốt, phải có thái độ phục vụ nhã nhặn, làm sai, làm hỏng, làm không tốt thì mất việc. Do đó, chỉ cần mỗi nhân viên y tế đinh ninh nguyên tắc “làm không tốt là mất việc” là đủ.
Viện phí sẽ tăng 2-5 lần
Chiều 22.11, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ được lùi lại vào năm 2016 thay vì cuối tháng 11 như dự tính. Việc lùi thời điểm tăng giá các dịch vụ y tế để có thời gian chuẩn bị tốt hơn. Các cơ sở y tế sẽ được tập huấn về viện phí mới, chuẩn bị cơ sở
vật chất, thay đổi phong cách phục vụ. Dự tính, trong năm 2016, viện phí sẽ tăng từ 2-5 lần. Hiện có gần 30% người dân chưa tham gia BHYT, nếu bị bệnh sẽ phải gánh chi phí rất lớn. Đến năm 2018, khi viện phí tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành viện phí, theo giá thị trường thì giá viện phí sẽ còn cao hơn.
Tuấn Kiệt
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.