Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới

Kiều Anh Thứ hai, ngày 17/02/2025 15:00 PM (GMT+7)
“Để thiết đãi cả bản làng cũng như họ hàng và khách du lịch, gia chủ chuẩn bị 80 mâm cỗ, tự tay nấu nướng với những món đặc sản thịt trâu gác bếp, khâu nhục, rau củ quả”, ông Sình Dỉ Gai (Hà Giang) chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Du lịch Hà Giang: 80 mâm cỗ cưới do người bản địa tự tay chế biến, khách du lịch ngồi "kín" 5 bàn

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 1.

Đám cưới nơi ngôi làng cổ tích gây tò mò cho khách du lịch. (Ảnh: Hoàng Hiếu)

Khi những tia nắng Xuân dịu dàng rọi xuống từng mái nhà trình tường nơi cao nguyên đá, ngôi làng nhỏ Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) bừng lên sức sống mới sau những ngày chìm trong cái rét "cắt da cắt thịt" của mùa đông. 

Lô Lô Chải "nồng hậu" đón du khách đến khám phá vẻ đẹp mộc mạc nguyên bản của những ngôi nhà trình tường đã được dựng lên từ nhiều đời, hòa trong sắc hồng rợp trời của hoa mai anh đào và những tấm vải thổ cẩm đầy quyến rũ.

Mùa Xuân không chỉ "tưới mát" lên ngõ ngách của bản làng mà còn "đơm kết" cho tình yêu của muôn loài, vạn vật và con người. Đến Lô Lô Chải thưởng ngoạn vào những ngày đầu Xuân, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh cô dâu, chú rể rạng ngời trong bộ trang phục dân tộc Lô Lô giữa tiếng nhạc reo vui mang thanh âm của vùng đất "đá cũng nở hoa". Tình cờ đi ngang qua đám cưới khi đang dạo bước trên con đường làng Lô Lô Chải, anh Phạm Song Thạo (32 tuổi, Hà Nam) cùng nhiều du khách bất ngờ khi được người dân mời vào trong rạp dự lễ cưới, ăn cỗ để chung vui cùng gia chủ.

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 2.

Anh Phạm Song Thạo mừng phong bì "chung vui" cùng cô dâu và chú rể khi vào tham dự lễ cưới. (Ảnh: Song Thạo)

Chia sẻ với Dân Việt, anh Phạm Song Thạo cho biết: "Tôi ở Hà Nam đến du lịch tại làng Lô Lô Chải. Chủ Nhật ngày 15/2 vừa rồi, đi qua tôi mới biết làng đang có đám cưới, bầu không khí rất rộn ràng. Người bản địa nhiệt tình và nồng hậu mời chúng tôi vào dự đám cưới. Lần đầu tiên tôi được tham dự đám cưới của người dân tộc vùng cao, tôi cảm thấy rất vui và hào hứng. Đám cưới trên này có điểm tương đồng nhưng cũng mang đặc trưng riêng so với dưới xuôi. Nghi lễ cưới xin vẫn có các phần như đón tiếp khách, đại diện 2 họ phát biểu "trao dâu nhận rể", trao nhẫn cưới, cắt bánh, 2 bên gia đình tặng quà cho cô dâu và chú rể.

Tuy nhiên ở đây có điểm khác biệt là về trang phục. Khi kết hôn với người Lô Lô, dù cô dâu là người ở dân tộc khác cũng sẽ mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô trong ngày cưới, thay vì mặc váy cô dâu hay trang phục của dân tộc mình. Các món trên mâm cỗ thì toàn bộ do họ hàng, hàng xóm của gia chủ tự chế biến. Gia chủ thịt 5 con lợn và 1 con bò, nên các món ăn đều được chế biến từ thịt lợn và bò. Đặc biệt có món khâu nhục là lần đầu tiên tôi được ăn, thịt mềm tan trong miệng cùng hương vị đậm đà, rất độc đáo. Có đến 5 mâm tham dự là khách du lịch, mỗi mâm ngồi cũng khá đông, khoảng 7-8 người."

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 3.

Cô dâu Tẩn May rạng ngời trong bộ trang phục với các họa tiết, hoa văn đều gắn với quan niệm, tín ngưỡng dân gian và văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô. (Ảnh: Song Thạo)

Chia sẻ với Dân Việt, ông Sình Dỉ Gai – Trưởng làng Lô Lô Chải cho biết: "Đó là đám cưới của chú rể Dìu Hồng (22 tuổi) và cô dâu Tẩn May (20 tuổi). Đám cưới diễn ra trong 2 ngày: ngày đầu tiên là đón dâu bên nhà gái, ngày thứ 2 sẽ đón dâu về nhà trai. 

Để thiết đãi cả bản làng cũng như họ hàng và khách du lịch, gia chủ chuẩn bị 80 mâm cỗ. Toàn bộ cỗ đều do người dân tự tay nấu nướng, là những món thường ngày của Lô Lô Chải như thịt trâu gác bếp, khâu nhục, rau củ quả. Du khách muốn trải nghiệm ẩm thực và khám phá thủ tục nghi lễ cưới ở Lô Lô Chải, chỉ cần bảo với gia chủ là họ sẽ chuẩn bị các mâm cỗ. Chúng tôi vui và phấn khởi khi được du khách quan tâm, đến chung vui cùng."

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 4.

Du khách hào hứng khi "hữu duyên" cùng được tham dự lễ cưới trên vùng đất "đá cũng nở hoa". (Ảnh: Hoàng Hiếu)

Ghé thăm Lô Lô Chải nhưng vào thời điểm đám cưới đã hoàn tất xong xuôi, chỉ còn khung rạp ở phía trước và một vài người trong nhà đang ngồi trò chuyện, dọn dẹp, chị Nguyễn Minh Trâm đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi đến vào ngày sau tiệc, chỉ còn lại dư âm thôi chứ chưa có cơ hội được tham dự đám cưới để khám phá nét văn hóa độc đáo của dân tộc Lô Lô. Tôi nghe mọi người kể lại, đám cưới mời cả bản làng, có cả người quen là người Trung Quốc sang tham dự nữa, tổng hết chắc lên cả gần ngàn người."

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 5.

Những cô gái Lô Lô xinh đẹp trong bộ trang phục được thêu tinh xảo, thẩm mỹ. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, bộ trang phục sặc sỡ sắc màu được được xem là "báu vật" và niềm tự hào của người dân Lô Lô. (Ảnh: Hoàng Hiếu)

Du lịch Hà Giang: Lô Lô Chải "bùng nổ" các lễ hội trong dịp đầu Xuân, tổ chức đốt lửa trại miễn phí vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần cho du khách

Dành thời gian thăm thú và khám phá mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, anh Phạm Song Thạo có ấn tượng đặc biệt với ngôi làng nhỏ Lô Lô Chải trong chuyến du Xuân lần này của mình. Không chỉ bởi được hòa mình vào không gian thoáng đãng với những chồi non mơn mởn đang "vươn mình" dưới sắc Xuân, "tín đồ xê dịch" đến từ Hà Nam còn được tìm hiểu về các nghi lễ thủ tục cưới xin của người đồng bào, thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo và "đắm chìm" trong thanh âm của tiếng trống, tiếng chiêng, những điệu hát vang vọng núi rừng.

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 6.

Các món ăn trên mâm cỗ cưới đều do chính tay người dân chế biến. (Ảnh: Song Thạo)

"Trong làng hầu hết là các homestay, nhưng gần như vẫn giữ được bản sắc dân tộc chưa du lịch hóa. Khách du lịch được sống và sinh hoạt cùng người dân địa phương, tham gia các lễ hội Xuân. Nhìn từ trên cao xuống ngôi làng đẹp lung linh như một ngôi làng cổ tích. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Lô Lô Chải thêm nhiều lần nữa", anh Thạo cho hay.

Theo ông Sình Dỉ Gai, trong làng hiện có 52 hộ dân kinh doanh homestay để phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, năm ngoái có 44 hộ. Lượng khách du lịch đến Lô Lô Chải tăng gấp 2 lần so với các năm trước đó. Ngoài việc bảo tồn văn hóa phong tục của Lô Lô, các hộ dân cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch để mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho du khách.

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 7.

Cô dâu niềm nở đón tiếp đoàn khách du lịch đến dự đám cưới. (Ảnh: Song Thạo)

Các homestay được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất, sửa sang để phục vụ khách du lịch đến lưu trú. Trong dịp đầu Xuân Ất Tỵ, làng Lô Lô Chải cũng tổ chức nhiều lễ hội độc đáo cho du khách tham dự, trong đó có trải nghiệm đốt lửa trại được tổ chức miễn phí vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 8.

Lượng khách du lịch đến làng Lô Lô Chải trong dịp Xuân Ất Tỵ tăng gấp 2 lần so với các năm trước. (Ảnh: Sình Gai)

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 9.

Du khách quây quần bên bếp lửa cùng bà con dân tộc Lô Lô và Mông, hít hà hương thơm của thịt trâu gác bếp, nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng và lắng nghe những câu chuyện đời sống nơi vùng cao. (Ảnh: Anh Phạm)

Đến ngôi làng nằm sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, du khách bất ngờ vì được mời ăn cỗ cưới - Ảnh 10.

Đến Lô Lô Chải, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn chất riêng nơi cao nguyên đá lộng gió: hoang sơ, chân thành, đậm đà bản sắc. (Ảnh: Anh Phạm)

Làm việc trong lĩnh vực du lịch đã được gần 18 năm, anh Lưu Hoàng Điệp – Giám đốc một công ty lữ hành tại Hải Phòng cho biết: "Từ 2014 trở đi, Hà Giang bắt đầu chuyển mình và sau 11 năm vẫn giữ được nét mộc như vậy dù cơ sở hạ tầng tốt hơn ngày trước rất nhiều. Lô Lô Chải cũng vậy. Ngôi làng này có điểm đặc biệt cả về vị trí lẫn cảnh sắc, văn hóa. Nằm ngay sát điểm cực Bắc của địa đầu Tổ quốc, Lô Lô Chải mang vẻ đẹp bình dị và vẫn còn lưu giữ các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu thùa.

Hiện nay, Hà Giang và Lô Lô Chải đang rất thành công trong cách làm truyền thông. Tuy nhiên, để không bị thương mại hóa và chú trọng quá nhiều vào kinh doanh du lịch khi lượng du khách đến ồ ạt trong những năm gần đây, các hộ dân không nên xây "quá tải" các homestay trong làng, thay vào đó giữ gìn, gây dựng lại các phong tục truyền thống như cưới hỏi, lễ hội để duy trì một Lô Lô Chải "đúng nghĩa" nguyên bản của một ngôi làng "cổ tích" nép mình giữa cao nguyên lộng gió."


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem