dd/mm/yyyy

Bình Dương hút khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp bằng sự khác biệt

Để nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thực sự là điểm nhấn của du lịch thì cách tiếp cận phải tạo ra khác biệt. Các đơn vị sản xuất NNCNC cho rằng, du lịch NNCNC phải tạo sức hút bằng khác biệt về đẳng cấp.

Lợi thế du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Nói đến huyện Phú Giáo (Bình Dương), người ta thường nghĩ đến vùng đất với những đồn điền cao su bạt ngàn, những trang trại nông nghiệp, mô hình NNCNC mới nổi. Cùng với đó là nhiều loại hình du lịch sinh thái và nhân văn.

Ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, huyện Phú Giáo có 3 doanh nghiệp NNCNC quy mô lớn là Công ty CP Nông nghiệp U&I, Công ty Vinamit, và Khu chăn nuôi bò sữa Anova. 

Mô hình NNCNC Unifarm (U&I) ở xã An Thái có quy mô 411ha. Ngoài mục tiêu cơ bản là ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, U&I có vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, đưa ra sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP ra thị trường quốc tế. Không chỉ sản xuất hàng hóa, Unifarm còn đón tiếp du khách đến tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp, và thưởng thức, mua các loại trái cây sạch.

Du lịch nông nghiệp hút khách bằng sự khác biệt - Ảnh 1.

Công nhân đang sơ chế đóng gói chuối xuất khẩu ở Công ty U&I. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Đẳng cấp quốc tế của nông nghiệp công nghệ cao Phú Giáo chính là điểm khác biệt để thu hút, lôi kéo du khách và các đối tượng quan tâm"

Ông Phạm Quốc Liêm -

Tổng Gđ Công ty CP Nông nghiệp U&I

Phú Giáo có trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao ở xã Phước Sang và Tân Hiệp với quy mô lớn gần 500ha. Nơi đây hứa hẹn thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về mô hình công nghệ tiên tiến theo định hướng Làng thông minh.

Toàn huyện Phú Giáo hiện có hơn 44.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích sản xuất NNCNC chiếm gần 1.360ha. Trên địa bàn huyện còn có 11 HTX, 141 trang trại cùng với 309 cơ sở, hộ sản xuất NNCNC. 

"Sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị sản xuất NNCNC đã định hình về không gian, thương hiệu địa phương và tạo ra chiến lược dẫn dắt sự phát triển chung của nông nghiệp huyện Phú Giáo"- ông Đồng cho biết.

Huyện Phú Giáo còn có hệ thống danh lam thắng cảnh có thể phát triển thành các điểm đến lý tưởng. TS Phạm Văn Luân (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)- cho rằng Phú Giáo có một địa thế hiếm nơi nào có được.

Tạo sức hút bằng khác biệt

Theo TS Luân, lâu nay, du lịch nông nghiệp Phú Giáo nói riêng và Bình Dương nói chung tiếp cận theo một chiều truyền thống. Các yếu tố trải nghiệm, tương tác thực sự còn rất ít. "Huyện Phú Giáo có lợi thế rất lớn về tài nguyên du lịch nông nghiệp nếu biết xác lập vị thế từ NNCNC, theo định hướng phát triển Làng thông minh"- TS Luân nhìn nhận.

HTX Nông nghiệp Bình Dương ở xã Phước Sang (huyện Phú Giáo) là đơn vị có nhiều năm nghiên cứu mô hình NNCNC từ nước ngoài. Ông Lê Văn Thuận - Giám đốc HTX cho biết, HTX đang tập trung đầu tư để năm tới có thể cho ra mắt sản phẩm chuỗi du lịch NNCNC của mình. "Ở đó, khách tham quan dễ dàng tìm hiểu mô hình sản xuất các loại trái cây đặc sản"- ông Thuận nói.

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I cho rằng, khi chọn các đơn vị đầu ngành làm du lịch NNCNC gắn với thương hiệu Phú Giáo, cách tiếp cận và cách làm phải khác. Du lịch NNCNC phải tạo ra điểm du lịch gắn liền với tri thức nông nghiệp. Ở đó, phải khẳng định được mình là đơn vị tiên phong cả nước về NNCNC. Thực tế, Khu NNCNC An Thái mà U&I làm chủ đầu tư là đơn vị đi đầu cả nước về trồng chuối và dưa lưới.

Du khách có nhu cầu đi Israel để thăm trồng dưa lưới, đi Philippines xem công nghệ trồng chuối, hoặc đi Thái Lan để tham khảo mô hình nuôi bò sữa. Chính quyền địa phương hãy kêu gọi du khách đến với Phú Giáo. Nơi đây hội tụ đầy đủ công nghệ tiên tiến của thế giới, thậm chí có phần nhỉnh hơn. 


Nguyên Vỹ