Dư nợ cho vay bất động sản chiếm đến 33%, VDSC kỳ vọng Techcombank tiếp tục tăng cho vay BĐS

12/04/2021 15:48 GMT+7
Năm 2021, Techcombank sẽ có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường nhờ bắt tay với Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Đồng thời, nhà băng này còn được hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản sôi động. Đó là nhận được định VDSC đưa ra tại báo cáo mới phát hành.

Techcombank hưởng lợi từ "đế chế" bán lẻ Masan và sự sôi động của bất động sản

Tầng lớp trung lưu được cho là động lực chính trong thị trường thanh toán còn non trẻ và cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số. Với việc Tập đoàn Masan đã và đang xây dựng một đế chế bán lẻ dựa trên Vincommerce với Techcombank là nhà cung cấp dịch vụ tài chính, VDSC cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường của Techcombank và bổ sung hệ sinh thái hiện tại.

Theo VDSC, các ngân hàng đang đi theo xu hướng xây dựng hệ sinh thái khép kín để cung cấp các giải pháp dịch vụ toàn phần. Đối với Techcombank, kỳ vọng mảng bán lẻ và bất động sản sẽ là trụ cột chính, do ngân hàng hướng tới việc áp dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị để phục vụ cho toàn bộ nền kinh tế, từ các nhà cung cấp lớn đến người dùng cuối cùng. Điều này cũng phù hợp với chiến lược rủi ro thấp lợi nhuận cao của ngân hàng.

Hưởng lợi từ “đế chế” bán lẻ Masan và sự sôi động của bất động sản, TCB có thể vượt 50.000 đồng/cp? - Ảnh 1.

Techcombank sẽ có điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường nhờ bắt tay với Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Ngoài ra, theo dự báo thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn, tập trung vào phân khúc bình dân. Kết hợp với việc các gói đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi chính sách kích thích tài khóa của Chính phủ, Techcombank sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ với sự thay đổi chiến lược này.

Hợp tác chặt chẽ với các chủ đầu tư bất động sản lớn và lãi suất cho vay ưu đãi có thể bền vững sẽ giúp Techcombank mở rộng cơ sở khách hàng và tạo dư địa cho tăng trưởng cho vay.

Liên quan đến ngân hàng bán buôn và doanh nghiệp, kỳ vọng danh mục đầu tư đa dạng hóa hơn, chuyển hướng sang các lĩnh vực đang phát triển có trọng số rủi ro thấp hơn như hàng tiêu dùng nhanh và tiện ích. Lãi suất cho vay cho các lĩnh vực này được ước tính không chênh lệch nhiều so với bất động sản, dựa trên lợi suất của các trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các động lực mới và lãi suất cho vay bình quân cao hơn là hợp lý, vì VDSC cho rằng sẽ không có gói lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực này.

Giá mục tiêu của TCB lên tới 50.900 đồng/cp

Do kết quả của năm 2020 tốt hơn kỳ vọng, VDSC điều chỉnh tăng dự báo cho năm 2021 của Techcombank.

Theo đó, thu nhập lãi dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số tăng, khoảng 25% do tín dụng mở rộng mạnh mẽ (22%) và NIM cao hơn.

"Dựa trên chiến lược mở rộng phân khúc khách hàng và một hệ sinh thái rộng lớn bao gồm bất động sản và bán lẻ, số dư CASA được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tiền gửi có kỳ hạn, khiến tỷ lệ này tăng nhẹ", báo cáo của VDSC nhấn mạnh.

VDSC ước tính, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình có thể tăng trở lại (tăng 40 điểm cơ bản) do nhu cầu thanh khoản nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, chi phí huy động vốn dự kiến giảm, và được kỳ vọng sẽ ít nhạy cảm hơn với sự thay đổi lãi suất do tỷ lệ CASA cao hơn kéo theo kỳ hạn bình quân có thể giảm xuống.

Thị trường bất động sản sôi động hơn, cùng với sự phục hồi của nhu cầu vốn vay sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay. Diễn biến trái chiều giữa lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân sẽ góp phần làm tăng NIM (tăng khoảng 12 điểm cơ bản).

Nhìn chung, VDSC đánh giá Techcombank đủ năng lực để mở rộng quy mô mạnh mẽ trong 5 năm tới. Ngân hàng có nền tảng vững chắc để duy trì tốc độ tăng trưởng cao với nền tảng vốn dày (CAR cao nhất trong ngành) và hiệu quả hoạt động tốt.

Cụ thể hơn, NIM dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc tăng CASA và lãi suất cho vay bền vững cao hơn do hết lãi suất ưu đãi, trong khi chi phí tín dụng dự kiến sẽ duy trì sau đại dịch khi ngân hàng duy trì mở rộng sang các phân khúc khách hàng thấp hơn.

Do đó, VDSC duy trì khuyến nghị mua TCB với mục tiêu 50.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 27% so với khuyến nghị mua trước đó. So với giá đóng cửa của ngày 7 tháng 4 năm 2021, mức định giá này tương đương mức sinh lợi 21%. Hiện, cổ phiếu TCB của Techcombank đang giao dịch quanh mức 41.900 đồng/cp, thấp hơn giá mục tiêu theo đánh giá của VDSC là 18%.

Rủi ro của Techcombank

Mặc dù VDSC đưa ra dự báo khá lạc quan về tương lai của Techcombank nhờ 2 trụ cột chính là mảng bán lẻ và bất động sản trên nền Techcombank mở rộng cơ sở khách hàng và tạo dư địa cho tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, không phải không có rủi do đang chờ Techcombank phía trước.

Dư nợ cho vay bất động sản chiếm đến 33%, VDSC kỳ vọng Techcombank tiếp tục tăng cho vay BĐS - Ảnh 3.

Cơ cấu dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank. Nguồn: BCTC Kiểm toán hợp nhất 2020

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Techcombank cho biết, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của ngân hàng nay tại ngày 31/12/2020 đã 32,92%tổng dư nợ cho vay khách hàng các ngành nghề. Ngoài ra, Techcombank còn có hơn 40%tổng dư nợ cho vay khách hàng là cho vay cá nhân mà bản thân một phần không nhỏ tín dụng của khách hàng cá nhân đang phục vụ cho hoạt động đầu tư bất động sản.

So với thời điểm cuối năm 2019, tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng kinh doanh bất động sản của Techcombank đến cuối năm 2020 đã tăng 81%.

Đấy là chưa kể đến lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mà Techcombank đang nắm giữ.

H.Anh
Cùng chuyên mục