Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nội dung nào sẽ lấy ý kiến nhân dân?

14/12/2022 17:50 GMT+7
Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ dự kiến 12 nội dung trọng tâm lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 15/3/2023.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua các hình thức như: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật và các hình thức khác phù hợp.

Đặc biệt, 12 nội dung được Chính phủ đề xuất lựa chọn xin ý kiến nhân dân là: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; Quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương IX); Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất (Chương XI); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Phát triển quỹ đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nội dung nào sẽ lấy ý kiến nhân dân? - Ảnh 1.

Nhiều nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023 (Ảnh: TN)

Chính phủ đề nghị, thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, thời gian lấy ý kiến nhân dân như đề xuất tại tờ trình là trùng với thời gian Tết Nguyên đán năm 2023. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân có thể gặp khó khăn. 

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.

Đối với việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lấy ý kiến phải đảm bảo để người dân đóng góp ý kiến thực sự và thể hiện được rằng điều gì người dân mong muốn nhất, tức có nhiều ý kiến nhất. Sau đó chúng ta có thể tổng kết lại, nêu rõ việc chính sách nêu ra thế này, luật đã thể chế và ý kiến của người dân. Khi đó mới đạt được hiệu quả của việc lấy ý kiến để xây dựng luật chứ không phải hình thức.

"Sau khi lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Đất đai thường có báo cáo trình Quốc hội với quan điểm của người tiếp thu ý kiến toàn dân. Nhưng hiện nay rất cần phải có báo cáo toàn dân để nêu rõ việc sau khi lấy ý kiến đã xử lý ra sao. Làm được như vậy sẽ tăng thêm tính công khai, minh bạch của việc lấy ý kiến", GS Võ chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) rất quan trọng và nhiều nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Trong đó có vấn đề như thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tài chính đất đai... Do đó cần xác định các nội dung trọng tâm, dư luận quan tâm để lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến cần chất lượng, rõ ràng, đưa ra các giải pháp cụ thể. Đồng thời quan trọng nhất là việc sàng lọc, xử lý, tiếp thu các ý kiến nhân dân nêu ra sẽ được thực hiện như thế nào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục