Chuyên gia chỉ ra những quy định bất cập trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

12/03/2023 09:15 GMT+7
Nhiều bất cập, vướng mắc đối với các quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tiếp tục được chuyên gia đề cập và góp ý để hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được ban soạn thảo của Bộ Xây dựng thể chế hóa 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua trong 11 Chương với 93 Điều. Trong đó, bao gồm những quy định chung như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc kinh doanh bất động sản; áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan; các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) rất quan trọng, cùng với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… trực tiếp thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đối với nhiệm vụ, giải pháp về: "Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản".

Bên cạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, các chuyên gia cho rằng, dự thải luật khi sửa đổi sẽ có những tác động rộng rãi đến đời sống xã hội, liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật nhà ở… Cùng với đó, ở lần sửa đổi thứ 5, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đã sửa đổi tiếp thu tốt những ý kiến đóng góp trước đó và cần bổ sung thêm những quy định rõ để giám sát dòng tín dụng cấp từ các ngân hàng khi bảo lãnh cho các dự án, tránh dòng tiền cho vay bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.

Chuyên gia chỉ thẳng những quy định bất cập trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)  - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi còn nhiều điểm bất cập (Ảnh: TN)

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam góp ý, tại khoản 3 Điều 7, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định: "đối với các thông tin đã công khai theo quy định về bất động sản đưa vào kinh doanh mà sau đó có thay đổi thông tin phải được cập nhật trong thời hạn 24h kể từ khi có thay đổi". Điều này rất khó cho doanh nghiệp nên đề nghị bãi bỏ hoặc đơn giản chỉ cập nhật thông tin theo yêu cầu doanh nghiệp.

"Tôi đề nghị nên bổ sung cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình bất động sản du lịch. Điều này có lợi là huy động được nguồn vốn lớn từ các tổ chức, cá nhân người nước ngoài nếu như Luật quy định chặt chẽ về điểm này thì sẽ không ảnh hưởng lớn", ông Hà kiến nghị.

Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh tại điểm e khoản 3 Điều 15, quy định "công trình xây dựng phải được xây dựng trên đất Nhà nước giao hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê" thì mới được đưa vào kinh doanh là bất hợp lý và chồng chéo với Luật Đất đai. Bởi theo Luật Đất đai thì thuê đất trả tiền hàng năm là được kinh doanh chuyển nhượng, nhưng Luật Kinh doanh bất động sản lại phải trả tiền thuê đất một lần mới được chuyển nhượng thì cũng khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị sửa đổi bổ sung điều kiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án khi: "Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

"Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng chưa thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án, một phần dự án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thay cho bên chuyển nhượng", ông Châu đề xuất.

Nội dung dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng gắn liền với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023 nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất cả về nội dung và hiệu lực thi hành.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục