Dự trữ ngoại hối "chuẩn" quốc tế, cần hạn chế mua thêm USD?

21/09/2020 09:55 GMT+7
Dự trữ ngoại hối quốc gia hiện vào khoảng 4 tháng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, trong khi mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục hay cần hạn chế mua thêm USD?

Trong báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 vừa được phát hành, World Bank nhận định dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục được tích luỹ, trong khi tỷ giá hối đoái vẫn ổn định.

Cụ thể, theo Báo cáo của World Bank, vào cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước là 92 tỷ USD, tăng so với mức 80 tỷ USD vào cuối tháng 12. "Mặc dù mức tăng này không cao như mức tăng cùng kỳ năm 2019, nhưng nó chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam", World Bank cho biết. 

Cũng theo World Bank, Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn cho dù có đại dịch. Hoạt động này đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài. Cán cân thanh toán của Việt Nam cũng đã thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

Dự trữ ngoại hối tăng thêm 12 tỷ USD và có khả năng cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay

Dự trữ ngoại hối tăng thêm 12 tỷ USD và có khả năng cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay

Dự trữ ngoại hối kỷ lục, không nên mua thêm USD bằng mọi giá?

Liên quan đến dữ trự ngoại hối, trong một công bố mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chia sẻ, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng lên gần gấp 3 lần so với năm 2015. Quy mô dữ trự ngoái hối của Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tháng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ đã giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước.

Trước thông tin dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 92 tỷ USD và có khả năng cán mốc 100 tỷ USD cuối năm nay, có ý kiến cho rằng, NHNN nên hạn chế mua thêm USD vì quỹ dự trữ ngoại hối đã trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu.

Ngoài ra, việc tích lũy thêm dự trữ ngoại hối một cách liên tục, có thể gặp rủi ro là Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.

Đồng tình về mặt kỹ thuật nhưng TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, nhất là sự bất định của kinh tế toàn cầu thì mức dự trữ ngoại hối cao hơn ở mức 5-6 tháng nhập khẩu cũng là cần thiết để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế... Tất nhiên, việc tăng dự trữ ngoại hối thêm bao nhiêu không phải là chuyện đơn giản mà phải xét theo nhiều biến số khác như nợ quốc gia, nợ nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế...

Cũng phải nói thêm rằng, mức 3 tháng nhập khẩu của IMF là yêu cầu đối với các nước chưa mở cửa nền kinh tế nhiều. Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, IMF khuyến nghị dự trữ ngoại hối nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu.

Như vậy với mức dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ở mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính tỏ ra thận trọng hơn khi nhận xét, tuy là công cụ cần thiết hỗ trợ NHNN can thiệp thị trường, nhưng không nên tăng dự trữ ngoại hối bằng mọi giá mà phù hợp với bối cảnh thực tế. Điều quan trọng nhất, theo TS. Độ là phải cân bằng nhiều mục tiêu như điều tiết cung tiền, lạm phát, cân bằng tỷ giá giữa tiền đồng và USD...

Ghi nhận khuyến nghị trên là hợp lý, nhưng lãnh đạo Vụ chức năng NHNN cho hay, thời gian qua, bên cạnh việc cung ứng tiền mua ngoại tệ bổ sung dự trữ, NHNN đã sử dụng các biện pháp trung hoà để hút tiền về nên đã kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.  

"NHNN luôn chủ động theo dõi và can thiệp thị trường theo cả hai chiều mua bán vì mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, không vì mục tiêu dự trữ để tung tiền ra lưu thông hỗ trợ xuất khẩu", lãnh đạo Vụ chức năng khẳng định.

Lãnh đạo Vụ chức năng cho biết thêm, ngoài gia tăng dự trữ ngoại hối, công tác đầu tư nguồn lực này của NHNN khá thành công vừa đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc quản lý theo quy định, đảm bảo được khả năng thanh toán quốc tế và mục tiêu sinh lời trong đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước. 

Chẳng hạn, điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ, đa dạng loại ngoại tệ đầu tư giúp NHNN giảm thiểu những tác động bất lợi trên thị trường quốc tế và nâng cao mức sinh lời khi đầu tư vào các loại ngoại tệ mới tiềm năng.

Song song với đó, chú trọng nguyên tắc an toàn, NHNN đầu tư vào các công cụ truyền thống có rủi ro thấp như đầu tư vào tiền gửi và trái phiếu Chính phủ của một số nước lớn, có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định… 

Thời hạn đầu tư cũng được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biễn thị trường quốc tế và nhu cầu can thiệp thị trường ngoại hối trong nước. Đơn cử như khi lãi suất có xu hướng giảm, NHNN thường tăng thời hạn đầu tư. Và ngược lại khi lãi suất có xu hướng tăng, NHNN thường tăng kỳ hạn ngắn để đón đầu lãi suất nâng cao khả năng sinh lời. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục