Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN. Ông Định cho hay: Qua 2 năm triển khai thực hiện mô hình CĐML, các địa phương ở miền Bắc, trong đó chủ yếu là vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai, quy mô và hình thức áp dụng. Đến nay, hầu như tất cả các tỉnh đã có quy hoạch vùng cho khu vực sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến hàng trăm ha trở lên, với nhiều cây trồng khác nhau như lúa, ngô, rau đậu...
Việc cho phép tích tụ, chuyển đổi và thuê ruộng lâu dài sẽ thúc đẩy nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Ảnh: Thanh Xuân
Ông có thể cung cấp số liệu cụ thể sau gần 2 năm các tỉnh miền Bắc triển khai thí điểm mô hình CĐML?
- Theo báo cáo đã có 17 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng CĐML trồng lúa vụ hè thu, vụ mùa năm 2014 với khoảng 700 mô hình, trên diện tích khoảng 27.500ha, tương đương với vụ hè thu và vụ mùa năm 2013. Ví dụ như Hà Nội triển khai trên 12.000ha với 297 mô hình; Nam Định 7.400ha với 145 mô hình; Bắc Giang 1.477ha với 41 mô hình... Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình CĐML (như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương...) gắn với dồn điền đổi thửa, thiết kế lại đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài chỉ đạo áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm..., các địa phương đang đặc biệt quan tâm tới việc đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động xây dựng chương trình đưa máy làm đất, máy gặt đập liên hợp vào áp dụng, theo đó nông dân được hỗ trợ về giá và chủ động đầu tư máy móc nhằm giải phóng sức lao động, tranh thủ được thời gian để gieo trồng vụ sau...
Một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình CĐML là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế mối liên kết này vẫn rất lỏng lẻo, khó tìm được tiếng nói chung. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Quan điểm
Tiêu chí CĐML đã được hoạch định rõ ràng là “cánh đồng lớn, nông dân nhỏ”, nhiều hộ đồng lòng trên một cánh đồng… Nếu mô hình CĐML mà hiệu quả sản xuất kém đi thì đó không thể gọi là CĐML”.
- Nhìn chung, các mô hình CĐML đã góp phần tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với DN, tạo điều kiện cho nông dân có thu nhập cao hơn so với sản xuất bình thường. Thực tế đã có rất nhiều DN tích cực đồng hành cùng nông dân trong xây dựng “cánh đồng lớn” ở nhiều khâu như ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn kỹ thuật cho bà con; thu mua lúa trên CĐML với giá cao hơn giá thị trường... Điển hình như Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã xây dựng các CĐML với diện tích trồng lúa trên 2.000ha tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam. Theo đó, DN này cho nông dân vay giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và đã thu mua trên 2.000 tấn lúa của bà con. Hay Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình đã thực hiện chuỗi sản xuất lúa giống khép kín tại các xã Bình Định (Kiến Xương); An Ninh (Quỳnh Phụ); Đông Xuyên (Tiền Hải), mỗi cánh đồng trên 100ha, trong đó nông dân sản xuất giống cho công ty và được bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra còn có nhiều DN khác như Tổng Công ty CP Giống cây trồng T.Ư, Công ty CP Giống cây trồng Cường Tân, Công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình...
Mục tiêu tối thượng của CĐML là nâng cao được giá trị thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn nông sản, bảo vệ môi trường. DN nào mà không nhận thức được điều này thì nếu có tham gia cũng chỉ là “đánh bóng” bản thân DN, hoặc mưu lợi từ chính sách chứ không thực sự vì thương hiệu của họ. Họ oải là vì họ hiểu chưa đúng về mục tiêu của CĐML, hoặc họ quên rằng đây là “cuộc chơi” mà đôi bên cùng có lợi. Có điều chúng ta cũng cần có giải pháp thích hợp để nông dân tin và cộng tác gắn bó với DN.
Thưa ông, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc khi triển khai CĐML ở miền Bắc, do mô hình này chưa thực sự đem lại hiệu quả vì có nhiều hộ cùng tham gia trên một diện tích, nông dân chưa quen với sản xuất hàng hóa?
- Không hoàn toàn như vậy. Các tỉnh miền Bắc nói chung và ĐBSH nói riêng có rất nhiều mô hình thành công như đã nêu ở trên. Dĩ nhiên cũng có những điểm chưa thực sự thuyết phục vì hiệu quả chưa cao, chưa hấp dẫn với nông dân, nhất là cánh đồng mẫu nhưng chưa có sự vào cuộc của DN trong tiêu thụ. Đó là do những cánh đồng này tổ chức theo kiểu phong trào, chưa tuân thủ các tiêu chí của CĐML.
CĐML phải được thực hiện dựa trên một quy trình kỹ thuật, hay nói đúng hơn là áp dụng gói kỹ thuật “chuẩn chỉnh”, cùng với đó là tăng cường cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong gieo cấy, chăm sóc, sử dụng giống chất lượng... Tiêu chí CĐML đã được hoạch định rõ ràng là “cánh đồng lớn, nông dân nhỏ”, nhiều hộ đồng lòng trên một cánh đồng... Nếu mô hình CĐML mà hiệu quả sản xuất kém đi thì đó không thể gọi là CĐML.
Hiện nay, một cánh đồng có nhiều hộ cùng sở hữu và việc nông dân vẫn xem thửa ruộng được giao như một loại tài sản phòng thân chính là “điểm nghẽn” lớn trong việc tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa ở ĐBSH. Và điều này chỉ có thể thay đổi khi tư duy thay đổi, khi chuyển nhượng và tích tụ ruộng đất được khuyến khích và nông dân không còn quá nặng nề về chuyện sở hữu đất nông nghiệp.
Cần làm gì để giải tỏa “điểm nghẽn” này, thưa ông?
- Trước hết, về giải pháp đất đai, theo tôi Nhà nước cần cho phép tích tụ, chuyển đổi và thuê ruộng lâu dài, từ đó nông dân có thể góp ruộng hoặc liên kết theo nhóm hộ… để cùng DN tổ chức sản xuất; đồng thời thay đổi hình thức tổ chức sản xuất để giảm tối đa chi phí. Nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì sẽ không thể giảm chi phí được. Cùng với đó là đẩy nhanh quy hoạch đồng ruộng, dồn điển đổi thửa, xây dựng hạ tầng giao thông, tưới tiêu phù hợp; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa.
Với nhóm giải pháp về chính sách thì đã có trong Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các địa phương cũng cần có những chính sách cụ thể, phù hợp với địa phương mình nhằm thúc đẩy và kêu gọi DN tham gia vào CĐML nhằm tránh các bất cập. Ngoài ra là các giải pháp khác như áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật; đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền...
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.