Đưa lãi suất tiết kiệm về 0%: Đề xuất "gây" sốc, chuyên gia phản bác

23/06/2021 08:20 GMT+7
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hạ dần lãi suất tiết kiệm VND về 0%/năm. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số chuyên gia đề xuất của này “phi thực tế và thiếu tính khả thi”.

Theo Vafi, hiện nay các nước Âu – Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiết kiệm nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%- 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philipine, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.

Tại Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Đề xuất “gây sốc” đưa lãi suất tiết kiệm về 0%: Chuyên gia phản biện - Ảnh 1.

Vafi: Tiền gửi tiết kiệm VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: LT)

Lãi suất tiết kiệm Việt Nam vì sao quá cao?

Lý giải về nguyên nhân lãi suất tiết kiệm của Việt Nam còn quá cao, theo Vafi cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp để hướng dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế thay vì thị trường bất động sản hay ngoại tệ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia. Mặt rất tích cực của giải pháp này là làm cho việc gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước và vì thế đã xuất hiện một dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của giải pháp hạ lãi suất tiết kiệm là cũng xuất hiện dòng tiền lớn nhàn rỗi khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế cũng như tạo rào cản thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Giá đất tăng còn tác động tiêu cực tới an sinh xã hội khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua được một ngôi nhà cho chính mình. "Mặt không tích cực này cản trở khả năng hạ lãi suất tiết kiệm, và như vậy dư địa hạ thấp lãi suất cho vay không còn nhiều", Vafi nêu thực trạng.

Đề xuất "sốc" đưa lãi suất tiết kiệm về 0%

Vafi cho rằng, Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi tiết kiệm về mức 0%/năm.

Đó là chính trị ổn định; Nền kinh tế đã, đang và tiếp tục phát triển với tốc độ cao hơn các nước trong khu vực và các nước Âu Mỹ; Xuất khẩu đã, đang và tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, đã ở vị thế là quốc gia xuất siêu và hàng năm thu được nguồn ngoại tệ rất lớn nhờ xuất khẩu liên tục tăng trưởng; Hàng năm có lượng kiều hối lớn hàng chục tỷ đô la gửi về;

Nếu dịch Covid được khống chế thì ngành du lịch tiếp tục phát triển nhanh và hàng năm thu về hàng chục tỷ đô la; Dự trữ ngoại tệ tại Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng mạnh;

Thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong thời gian qua, bất chấp dịch covid - 19, bên cạnh đó thị trường trái phiếu cũng phát triển nhanh và đang từng bước thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia; Hệ thống ngân hàng nội địa đã vững mạnh hơn trước rất nhiều…

Đề xuất “gây sốc” đưa lãi suất tiết kiệm về 0%: Chuyên gia phản biện - Ảnh 3.

Vafi: Việt Nam có nhiều cơ sở để đưa lãi suất tiết kiệm về 0%

Từ cơ sở kể trên, Vafi đã đề xuất một số giải pháp để dần lãi suất tiền gửi tiết kiệm về mức 0%/năm.

Thứ nhất, hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Vafi cho rằng, giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Hai là, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm. Như vậy, hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, Vafi cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở 1 mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô…

Đề xuất thiếu khả thi?

Liên quan đến đề xuất này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chủ trương muốn hạ lãi suất xuống nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần vay vốn là rất tốt. 

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khả năng lãi suất liên ngân hàng về 0% hoặc thậm chí âm có thể xảy ra ở nước khác, nhưng hoàn toàn không thể diễn ra ở Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, đây là đề xuất "thiếu cơ sở và không khả thi" trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Giả sử dòng tiền đó chảy vào thị trường chứng khoán như lập luận của Vafi, khi đó doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, không có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao như hiện nay thường cao hơn 1-3% so với lãi vay ngân hàng.

Đơn cử như vấn đề về lạm phát. Hiện Việt Nam có mức lạm phát cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực.

Năm 2020 chẳng hạn, CPI của Việt Nam là 3,2% trong khi toàn cầu là 2%, Trung Quốc 2,5% và ASEAN-4 là 1%. Năm nay, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%.

Chính vì vậy, người dân có kỳ vọng gửi tiền tiết kiệm, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Đó cũng là tâm lý rất đời thường và hợp lý của người dân.

Hơn nữa, khi lãi suất tiết kiệm về 0% người dân liệu có mặn mà gửi tiền vào ngân hàng khi trong khi có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Trong khi đó, dòng vốn tín dụng hiện nay chiếm khoảng gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ tác động tới thanh khoản hệ thống ngân hàng, và việc cấp vốn cho nền kinh tế sẽ không được đảm bảo.

Đề xuất “gây sốc” đưa lãi suất tiết kiệm về 0%: Chuyên gia phản biện - Ảnh 4.

Chính sách huy động của ngân hàng phải đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. (Ảnh: LT)

Đồng tình, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol cho rằng, việc hạ lãi suất tiền gửi mạnh về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.

Nếu lấy con số lãi suất gần 0% của Thái Lan để so sánh, chúng ta cũng cần nhìn vào việc đồng tiền baht mất giá hơn 5% trong vài tháng đầu năm để tham khảo. Liệu VND mất giá 5% so với USD có khiến Việt Nam bị đặt câu hỏi thao túng tiền tệ bởi Mỹ hay không? Cần nhớ rằng Việt Nam đang nằm trong danh sách quan sát còn nhiều nước lãi suất 0% thì không.

Hai là, mục tiêu là giảm lãi suất tiết kiệm để hạ lãi suất cho vay nhưng giảm lãi suất về 0% thì ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay được bao nhiêu hay là chỉ để buộc tiền chạy đi kênh đầu tư khác và đốt nóng thị trường tài sản đầu cơ? 

Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi lãi suất tiết kiệm về 0%, hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi dẫn tới rủi ro thanh khoản, hiện tượng "vượt rào lãi suất" có thể sẽ xảy ra và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống.

Còn nhớ vào tháng 5/2020, ông Đặng Hồng Anh (Shark Hồng Anh) - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam từng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên đưa mức lãi suất tiết kiệm dài hạn về quanh mức 5% để ngân hàng có cơ hội giảm mạnh lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, giảm lãi suất tiết kiệm là việc mà các ngân hàng rất muốn. Thế nhưng, giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng.

"Hạ sốc gây bất ổn cho nền kinh tế. Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi lãi suất thực dương, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản", vị này nhấn mạnh.

Hơn nữa, lãi suất hiện nay các tổ chức nước ngoài cho Việt Nam vay ở mức 5%, 6%/năm. Vì vậy, lãi suất tiết kiệm trong dân cư chỉ ở mức 0% là "phi thực tế". Tất nhiên trong điều kiện được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định cùng với các yếu tố vĩ mô khác hỗ trợ lúc đó ngân hàng có thể hạ lãi suất tiết kiệm xuống mức phù hợp, thay vì 0% như đề xuất.

Còn về phía Ngân hàng Nhà nước, trong thông điệp mới nhất cơ quan này cho biết, sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

H.Anh
Cùng chuyên mục