Đưa múa khèn, thổi sáo vào trường học

Lê San Thứ sáu, ngày 20/05/2016 06:40 AM (GMT+7)
“Sau những giờ học căng thẳng trên lớp, em và các bạn được chơi đánh yến, nhảy bao bố, nhảy sạp. Đặc biệt còn được các nghệ nhân dân gian đến tận trường hướng dẫn múa khèn, thổi kèn lá… nên rất thích” - em Trần Thị Minh Tuyết, lớp 4B, Trường Tiểu học Hữu Vinh, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, Hà Giang chia sẻ.
Bình luận 0

Mặc trang phục dân tộc tới trường 

Từ 2 năm nay, Trường Tiểu học Hữu Vinh đã chính thức đưa văn hoá dân gian vào giảng dạy. Mỗi tuần 2 buổi, các em học sinh sẽ được nghệ nhân dân gian hướng dẫn học các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống, các trò chơi dân gian. Những buổi học này không chỉ có tác dụng thư giãn, giải tỏa áp lực sau những giờ học căng thẳng, mà còn giúp các em học sinh rèn luyện một số kỹ năng sống như sự khéo léo trong giao tiếp, tinh thần đồng đội...

img

Một giờ sinh hoạt văn hoá dân gian của các em học sinh Trường phổ thông dân tộc
bán trú THCS xã Thắng Mố. Ảnh: L.S

Sau hơn 2 năm đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học, huyện Yên Minh đã xây dựng được hội nghệ nhân dân gian, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội; 100% số học sinh đã nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, gần 70%   học sinh biết chơi một số trò chơi dân gian.

Mỗi tuần, nghệ nhân dân gian Mua Mí Páo lại không quản ngại tới trường để chỉ cho các em học sinh về những điệu khèn, cách thổi kèn lá. “Hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một. Là nghệ nhân dân gian, am hiểu về văn hoá của dân tộc mình, tôi cũng trăn trở rất nhiều. Đặc biệt, với đồng bào Mông của tôi, tiếng khèn không chỉ mang tính giải trí mà còn mang giá trị tâm linh nên tôi rất muốn truyền lại cho con cháu” – ông Páo cho hay.

Cô Phan Thị Lợi – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để các em học sinh tự ý thức giữ gìn cũng như tăng thêm tình yêu với dân tộc mình, mỗi tuần 2 buổi, các em được mặc trang phục của dân tộc mình, được tham gia thi, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Qua 1 thời gian đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại trường, các em hăng say học tập và thêm yêu những giá trị truyền thống của dân tộc mình hơn”.

Lồng ghép trò chơi truyền thống

Ngoài văn hoá truyền thống, các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, nhảy bao bố hay đi cà kheo cũng được các thầy cô giáo bố trí lồng ghép vào các giờ học để tạo hứng thú cho học sinh. Cô giáo Dương Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Thắng Mố (huyện Yên Minh) chia sẻ: “Các trò chơi dân gian hướng các em đến những hoạt động giải trí lành mạnh, vừa giúp học sinh thêm gắn bó với trường lớp và nhất là nâng cao kỹ năng sống cho các em”.

Được biết, trên địa bàn huyện Yên Minh có 20 trường phổ thông dân tộc bán trú, song phần lớn các em không hiểu hết về các phong tục cũng như giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Sau khi triển khai mạnh mẽ việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn, các em học sinh hình đã thành tính cách tự lập, nâng cao kỹ năng sống. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện tốt nhất để giáo viên hiểu rõ hơn về tâm tư, tính cách của học sinh, từ đó làm tốt công tác dạy và học ở trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Phạm Ngọc Quyết - Trưởng phòng GDĐT huyện Yên Minh cho hay: “Đưa văn hóa dân tộc vào học đường đang là hướng đi phù hợp, bởi ở đó văn hóa không chỉ được nuôi dưỡng, phát triển, mà còn góp phần hình thành nên những học sinh có nhân cách văn hóa”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem