Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Làm ngay, viết đúng và viết đủ
Hiện nay, trước tình hình Trung Quốc đang ngày càng bành trướng trên Biển Đông thì việc đưa các sự kiện đó vào SGK là việc cần làm ngay, làm cho đúng và có trách nhiệm. Đã viết phải viết cho đủ, làm nhạt nhòa, né tránh hoặc “bỏ quên” lịch sử là có tội với ông cha, tổ tiên của chúng ta.
Phải để cho học sinh, các thế hệ sau biết rằng, thời đại Hồ Chí Minh trải qua 4 cuộc chiến tranh: 2 cuộc chiến giải phóng dân tộc và 2 cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Viết đúng, viết đủ không phải để gây hận thù mà để nhìn thẳng vào sự thật nhằm đề cao cảnh giác trong mọi diễn biến có thể xảy ra.
Lược đồ chiến dịch biên giới thu - đông năm 1950 trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12.
Ảnh: Đ.D
Phạm Hồng Ngọc – học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc - Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử 2015: Cần được học đầy đủ về lịch sử
Theo em, lượng thông tin trong SGK về các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và hải đảo hiện nay quá ít và cần được bổ sung thêm. Là học sinh, người tiếp nhận kiến thức, em thấy chưa thỏa mãn với nội dung ngắn gọn như hiện nay. Em mong muốn SGK sẽ được bổ sung thêm về mặt nội dung như nguyên nhân, diễn biến, và liệt kê tổn thất của cả 2 bên, hậu quả của cuộc chiến tranh này gây ra. Học sinh chúng em cần được học, được giảng dạy một cách đầy đủ về lịch sử.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thận trọng khi bổ sung
Bộ GDĐT đã nhìn thẳng vào những góp ý của dư luận và ý kiến của Hội Khoa học lịch sử trước vấn đề này. Hiện SGK chỉ có dung lượng rất ít nói về các sự kiện này là không tương xứng. Ví dụ, cuộc chiến biên giới phía Bắc có 11 dòng trong khi nó là 1 sự kiện lịch sử lớn, ở một chừng mực nào đó là bước ngoặt lịch sử. Khi bổ sung phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, thận trọng không có nghĩa là kéo dài.
Chờ đến khi có SGK mới thì không biết đến bao giờ trong khi dư luận và bối cảnh mới đang đòi hỏi cần nhanh chóng làm rõ. Chúng ta cần có những biện pháp tăng cường trong thời gian tới như có thêm phần phụ lục, hướng dẫn thêm cho giáo viên để họ bổ sung vào giáo trình giảng dạy. Hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp chúng ta giảng dạy rất đầy đủ nhưng hiện vẫn có những quan hệ tốt, tại sao với Trung Quốc lại không?
Theo thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, SGK hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến các sự kiện lịch sử này. Tuy nhiên, do hạn chế về số trang sách trong khi nội dung cần truyền đạt nhiều nên thông tin chỉ được viết ngắn gọn. Thời gian tới, Bộ sẽ lưu ý đưa các cuộc chiến vào SGK với dung lượng phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, Bộ khuyến khích các trường đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa.
|
GS Vũ Dương Ninh – đồng chủ biên sách lịch sử lớp 12: Không thể chờ sách mới
Hiện dư luận có nhu cầu lớn về việc cần được biết một cách rõ ràng và đầy đủ về các cuộc chiến này. Đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Nếu cứ cắt xén, né tránh sự thật thì hậu quả là các em sẽ không biết đúng sai, không có tinh thần cảnh giác và ý chí chiến đấu trong trường hợp đất nước xảy ra biến cố.
Vì vậy, SGK mới cần thiết phải bổ sung dung lượng cho phù hợp... Phải nhấn mạnh tinh thần chiến đấu hy sinh của quân đội ta trong các cuộc chiến này; nêu cao tinh thần cảnh giác cho học sinh và tiếp đó là giáo dục truyền thống yêu nước, chuộng hòa bình qua bài học lịch sử để lại. Cho đến khi có SGK mới, tôi cho rằng các Sở GDĐT, các trường nên chủ động cho giáo viên dạy sử thuộc các trường chuyên tập trung viết tài liệu về sự kiện để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của học sinh.
Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An: Thà muộn còn hơn không bao giờ
Việc lãnh đạo Bộ GDĐT tuyên bố với báo chí là sẽ đưa các kiến thức về vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, tôi cho là quyết định đúng, dù muộn màng nhưng rất cầu thị. Tôi nghĩ, bây giờ không nên đặt ra vấn đề “nên hay không”, mà phải kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những kiến thức cơ bản đó vào chương trình giảng dạy môn lịch sử. Sai thì phải sửa, sót thì phải bổ sung. Thà muộn còn hơn không bao giờ.
Trước mắt, khi chưa có SGK mới, Bộ GDĐT nên có chỉ đạo và hướng dẫn các Sở GDĐT bổ sung những kiến thức đó vào chương trình giảng dạy môn sử thông qua việc lồng ghép kiến thức liên quan của từng cấp học, khối học; có thể tổ chức thêm các chương trình ngoại khóa, chuyên đề theo từng chủ đề phù hợp hoặc học tập, tham quan tại các trung tâm triển lãm, bảo tàng tại địa phương. Sau khi công bố chương trình phổ thông tổng thể, Bộ nên phối hợp các chuyên gia của Hội Khoa học lịch sử bàn bạc và hoạch định nội dung cụ thể nên sửa chữa, bổ sung như thế nào, thêm phần gì và bớt phần gì cho phù hợp với lưu lượng, thời gian số tiết học theo quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.