Đua tăng vốn: VietinBank tham vọng số 1, SHB “tân binh” TOP 10

22/02/2021 15:34 GMT+7
Đua tăng vốn, SHB do bầu Hiển làm Chủ tịch trở thành "tân binh" trong TOP 10. Theo dự kiến, bảng xếp hạng này sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm 2021, VietinBank có thể trở thành “số 1” nếu kế hoạch tăng vốn thành công.

Sau nửa đầu năm ngoái khá trầm lắng do diễn biến thị trường không thuận lợi, từ mùa Thu đến nay, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng thương mại đã trở nên sôi động hơn.

VNDirect cho biết, trong năm 2020 đã có 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ, chủ yếu từ lợi nhuận giữ lại thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng có 1 số ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ như MBB hay OCB, hay HDBank phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cuộc đua tăng vốn: VietinBank tham vọng số 1, SHB “tân binh” TOP 10 - Ảnh 1.

Các ngân hàng đua tăng vốn điều lệ (Ảnh L.T)

Đua tăng vốn, vốn điều lệ của các ngân hàng "phình" thêm hơn 30.000 tỷ

Còn theo số liệu thống kê tại gần 30 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 của Dân Việt thể hiện, tổng cộng đã có hơn 30.000 tỷ đồng vốn điều lệ đã được bổ sung trong năm 2020. Tổng số vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 450.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, đã có 18 ngân hàng ghi nhận vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng. Ngược lại, vẫn có những ngân hàng nhỏ đang chật vật tăng vốn, hiện có gần 10 ngân hàng vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng.

Cuộc đua tăng vốn: VietinBank tham vọng số 1, SHB “tân binh” TOP 10 - Ảnh 2.

Tổng số vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng đã vượt mốc 450.000 tỷ đồng.

Trong đó, HDBank là ngân hàng tăng vốn mạnh nhất trong năm 2020, tăng hơn 6.200 tỷ (tương đương gần 64%) lên 16.088 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 65%.

Vị trí thứ 2 là SHB, nhà băng này tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.500 tỷ đồng trong năm qua nhờ chào bán thành công 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017-2018. Tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của SHB đạt 17.558 tỷ đồng.

Tiếp đến là ACB, với vốn điều lệ tăng gần 5.000 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 30%.

Một số ngân hàng khác cũng tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2020 có thể kể đến MB tăng thêm gần 4.300 tỷ lên gần 28.000 tỷ; OCB tăng 3.060 tỷ lên gần 11.000 tỷ; SeABank tăng khoảng 2.718 tỷ lên hơn 12.000 tỷ; TPBank tăng hơn 2.100 tỷ lên 10.717 tỷ đồng,…

Đứng vị trí "chót" bàng với vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đến cuối năm 2020 có thể kể đến như VietBank (4.190 tỷ đồng); SaigonBank (3.080 tỷ đồng); KienlongBank (3.237 tỷ đồng); NCB (4.102 tỷ đồng); PG Bank (3.000 tỷ đồng);…

Sự xáo trộn trong TOP 10, VietinBank tham vọng số 1

Bảng xếp hạng vốn điều lệ theo đó cũng có sự thay đổi đáng kể trong năm qua. TOP 10 ngân hàng cuối năm 2020 gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB, VPBank, ACB, Sacombank, SHB. So với cuối năm 2019, SHB đã thay thế SCB để lọt vào bảng xếp hạng. ACB vượt Sacombank để lên vị trí thứ 7, MB vượt VPBank để lên vị trí thứ 6.

Hiện BIDV có vốn điều lệ cao nhất với hơn 40.200 tỷ đồng, theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ), Vietcombank (37.089 tỷ), Techcombank (35.049 tỷ) và Agribank (30.496 tỷ đồng).

Đua tăng vốn: VietinBank tham vọng số 1, SHB “tân binh” TOP 10 - Ảnh 4.

SHB đã thay thế SCB để lọt vào bảng xếp hạng Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất

Theo nhìn nhân của giới phân tích, tăng vốn là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, ít nhất là quy định về an toàn vốn tối thiểu. Bởi vậy, áp lực tăng vốn sẽ cạnh tranh hơn trong năm 2021.

Thậm chí, ngay cả những ngân hàng đã tăng vốn thành công vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược bởi vốn càng lớn, khả năng trụ vững của ngân hàng càng cao. Ngược lại, ngân hàng nào vốn mỏng sẽ có nguy cơ bị mất thanh khoản.

Còn với khối ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước, năm nay dự kiến cuộc đua tăng vốn sẽ còn nóng hơn rất nhiều, sau khi năm qua, hành lang pháp lý để tăng vốn cho 4 ngân hàng này đã rộng mở hơn rất nhiều. Các nhà băng này đều đã có lộ trình tăng vốn điều lệ cụ thể.

Đơn cử như tại Agribank, Quốc hội kỳ họp lần thứ 9, khóa XIV cũng đã nhất trí bổ sung tối đa 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank. Với số vốn này, vốn điều lệ của Agribank sẽ vào khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, với kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2020-2021, Vietcombank dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).

Hay như với VietinBank, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8% trong năm 2021. Nhờ đó, vốn điều lệ sẽ tăng lên 47.953 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Nếu thành công, Vietinbank sẽ là nhà băng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Cũng chính vì vậy, TOP 10 vốn điều lệ lớn nhất ngành ngân hàng có thể sẽ có xáo trộn mạnh trong năm 2021.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục