Dựa vào dân để giữ rừng

Thứ ba, ngày 14/05/2013 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với diện tích rừng khổng lồ- gần 500.000ha, đó là một lợi thế lớn trong phát triển nền kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn la. Nhưng với lực lượng kiểm lâm thì diện tích rừng ấy là trách nhiệm nặng nề...
Bình luận 0

Trăn trở bốn mùa

Khi những trận mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống kèm theo những cơn lốc, mưa đá, gió bão giật ngả nghiêng cây rừng thì những người kiểm lâm Sơn La lại “thở phào với nỗi lo cũ và bước vào nỗi lo mới”- kiểm lâm viên Đặng Văn Thu ở hạt Tà Xùa- Bắc Yên bảo vậy.

img
Kiểm lâm Sơn La và Kiểm lâm khu vực I phối hợp tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng Tà Xùa ở Sơn La.

Theo anh Thu thì “kiểm lâm lo nhất là vào mùa xuân-cái mùa mà người ta vẫn thường chỉ nghĩ đến vui xuân, lễ hội”. Bởi một lẽ giản đơn: Mùa xuân là mùa làm nương, gieo hạt. Với đồng bào vùng cao Sơn La thì những cánh rừng lâu năm, những diện tích đất lâm nghiệp luôn nằm trong “khát vọng mở đất” của họ và cũng là mảnh đất màu mỡ nhất nếu như họ chiếm dụng được.

Bởi vậy, cứ vào dịp làm nương là kiểm lâm lo ngay ngáy, tuần tra suốt ngày. “Miệng hô hào bà con giữ rừng, tai nghe ngóng thông tin về rừng, mắt đảo liên tục theo dõi rừng và chân thì không ngừng nghỉ trên những nẻo đường rừng. Đấy là thời điểm lực lượng kiểm lâm chúng tôi căng thẳng nhất”- anh Thu tâm sự.

img Nhờ liên kết với người dân, kết quả bảo vệ và phát triển rừng của chúng tôi đã nâng lên một bước. Hầu hết người dân sở tại đã chung sức với kiểm lâm để bảo vệ rừng, trồng rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng đã giảm tải được nhiều nguy hiểm và công sức khi tuần tra, truy quét lâm tặc. img

Anh Đinh Xuân Thiêng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tà Xùa

Mùa xuân không chỉ lo bà con làm nương xâm lấn đất rừng mà với khí hậu ở Sơn La và phương thức canh tác đốt nương của nông dân nơi đây thật sự là luôn là mối đe doạ với rừng. Nhiều lần đến với Hạt Kiểm lâm Mộc Châu, chúng tôi chứng kiến cảnh trụ sở im ắng, vắng lặng, vì tất cả cán bộ toả đi các cơ sở, tuyên truyền và kiểm tra công tác bảo vệ rừng.

Còn lại mỗi Hạt trưởng Đào Mạnh Phong thì ngồi lỳ bên bàn máy tính, một tay rê chuột, còn tay kia lăm lăm chiếc điện thoại. “Khổ lắm ông ạ! Mùa này bà con làm nương, khắp nơi có khói, lửa nên thông tin nội bộ báo tin nóng liên tục. Nhưng sợ nhất vẫn là cái anh gió Lào. Nó mà gắp lửa ném vào rừng thì coi như toi hết công sức. Giữ rừng mùa gió Lào là khốn khổ nhất, vừa mệt mỏi, vừa nguy hiểm”- anh Phong nói.

Nhưng khi hết mùa xuân thì vào mùa mưa, ấy cũng là lúc nông dân rảnh rỗi và họ sẽ đi kiếm việc, kiếm sống trong rừng. Bình thường là tận thu cái măng, mộc nhĩ, nấm linh chi; sai phạm lớn hơn là săn, bẫy thú, rồi khai thác trộm, vác gỗ thuê cho lâm tặc. Mùa thu - mùa của thu hoạch nông sản thì cũng là lúc lâm tặc hay kết hợp xe vận chuyển nông sản với vận chuyển lâm sản để đưa ra khỏi địa bàn. Lực lượng kiểm lâm lại căng mình cùng với chính quyền cơ sở, nắm thông tin, đón lõng ngày đêm để ngăn chặn những hành vi xâm phạm rừng.

Dựa vào dân để giữ rừng

“Không lực lượng nào giữ rừng tốt bằng người dân. Chỉ có người dân mới bảo vệ rừng đạt mức an toàn cao nhất”-anh Đinh Xuân Thiêng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tà Xùa tâm sự. Nghe chuyện của người mấy chục năm lăn lộn bảo vệ rừng, bao lần đối mặt với lâm tặc, đối mặt với những lưới lửa dày đặc bao quanh trong các đợt cháy rừng... chợt thấy lắng lòng bởi lời tâm sự ấy.

Quả thật, tuy là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nhưng với Kiểm lâm Sơn La thì trách nhiệm ấy luôn là thách thức. Mà những thách thức ấy đến từ nhiều phía chứ không phải chỉ đơn thuần là biên chế quá mỏng, không đủ theo định biên 1 kiểm lâm viên/1.000ha rừng. Lâm tặc ngày nay không vác cưa tay, đi bộ lén lút, thấy kiểm lâm là chạy như ngày xưa mà chúng có một lực lượng hùng hậu với những phương tiện khai thác, vận chuyển hiện đại và liên lạc thông suốt.

Vậy thì phải dựa vào dân, vào chính quyền cơ sở để giữ rừng. Và những cán bộ Kiểm lâm Sơn La đã thông suốt điều ấy. Mấy năm gần đây, hàng chục cuộc tập huấn liên tiếp được tổ chức cho các cán bộ cấp xã, tổ, bản; hàng trăm buổi họp dân tuyên truyền, vận động, giải thích; hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ chính sách bảo vệ rừng cùng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống bà con dân tộc thiểu số...

Mỗi năm, Hạt Kiểm lâm Mộc Châu từng chủ động in sao hàng trăm băng đĩa tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người dân trong công tác bảo vệ rừng để cấp cho xã, bản làm tài liệu tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cơ sở. Tổ chức ký cam kết với các lực lượng, đoàn thể, ngành chức năng, cụm dân cư về trách nhiệm bảo vệ rừng, liên tiếp đi tuần tra, kiểm soát để tăng cường sự hiện diện tại cơ sở... Còn ở Hạt Kiểm lâm Tà Xùa thì cũng dựa vào dân bằng nhiều giải pháp thiết thực: Thành lập hàng chục tổ đội bảo vệ rừng, cấp kinh phí và trang phục cho các thành viên, liên kết với các dự án trồng rừng để tìm nguồn lợi ích từ rừng cho người dân...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem