Đức đang dần đổi thái độ, "lạnh nhạt" với Trung Quốc

09/09/2020 12:26 GMT+7
Sau nhiều năm định hình chiến lược Châu Á xoay quanh trục Trung Quốc, Đức giờ đây đang tiến tới những bước đi mang tính quyết định khi tập trung củng cố quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia dân chủ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đức đang dần đổi thái độ, "lạnh nhạt" với Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải)

“Chúng ta cần định hình (trật tự toàn cầu trong dài hạn) dựa trên những nguyên tắc và sự hợp tác quốc tế, chứ không phải luật “rừng” của kẻ mạnh. Đây là lý do vì sao chúng tôi tăng cường hợp tác với các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị dân chủ và tự do với chúng tôi” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hôm 2/9 khi chia sẻ về lý do chuyển hướng sang siết chặt quan hệ với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự thay đổi lập trường của Đức là hồi chuông cảnh báo trên khắp Châu Âu về sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.

Trong cùng ngày 2/9, chính phủ Đức cũng ban hành loạt chính sách mới về vấn đề Ấn Độ  - Thái Bình Dương, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và vấn đề mở cửa thị trường trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Chiến lược này chứa nhiều điểm sáng tương tự như cách tiếp cận dân chủ của các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Úc và các thành viên ASEAN.

Trung Quốc từng là trung tâm ngoại giao của Berlin tại Châu Á. Thủ tướng Đức Angela Merkel có những chuyến công du Trung Quốc hầu như mỗi năm. Kim ngạch thương mại công nghiệp của Đức với Trung Quốc chiếm tới 50% tổng kim ngạch thương mại với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nhưng cho đến nay, thị trường Trung Quốc đã không mở cửa với Đức như mong đợi của Berlin. Các tập đoàn Đức hoạt động tại Trung Quốc thậm chí buộc phải chuyển giao công nghệ cho các công ty được hậu thuẫn bởi chính phủ Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư giữa EU và Trung Quốc thì ngừng trệ. Thêm vào đó, hàng loạt vấn đề nảy sinh trong thời gian qua cũng cản trở chính sách thân Trung Quốc của bà Merkel. Ví dụ, sự phản đối của Đức với luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông hay các cáo buộc lạm dụng nhân quyền với các dân tộc Hồi giáo thiểu số vùng Duy Ngô Nhĩ. 

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới nhất của Berlin giờ đây mang đến một vị thế bất lợi hơn cho Trung Quốc. Nhưng không riêng Đức, Liên minh Châu Âu nói chung cũng đang cân nhắc lại về một chiến lược tỉnh táo hơn với Bắc Kinh. Năm 2019, EU đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, nhấn mạnh sự cạnh tranh về quảng cáo và công nghệ giữa khối này với gã khổng lồ mới nổi của Châu Á. Anh và Pháp hiện cũng đang bắt đầu bày tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc thông qua việc thanh trừng thiết bị viễn thông Huawei khỏi mạng 5G trong vài năm tiếp theo.

Chính các doanh nghiệp Đức cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc Media Group mua lại hãng robot Kuka của Đức hồi năm 2016.

Nhưng vấn đề chính vẫn là sự do dự của doanh nghiệp trước nguy cơ phải tách rời một thị trường lớn như vậy. Cho đến nay, khoảng 40% ô tô Volkswagen cùng khoảng 30% ô tô Daimler và BMW được bán sang thị trường Trung Quốc. CEO Herbert Diess của Volkswagen thậm chí còn gọi Trung Quốc là “thị trường cuối cùng”. Daimler và BMW cũng coi Trung Quốc là chìa khóa thành công trong bối cảnh thị trường Châu Âu vẫn đang đình trệ vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. BASF, một trong những nhà sản xuất hóa chất hàng đầu Đức thì đang xây dựng chuỗi phân bổ các loại hóa chất tổng hợp tại Trung Quốc. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục