Dùng Chế phẩm EM xử lý rác thải: Người dân thu lợi ích kép

Thứ bảy, ngày 14/09/2013 10:24 AM (GMT+7)
Người dân xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) đang được hỗ trợ đưa mô hình dùng chế phẩm EM Bokashi vào phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Bình luận 0
Hoạt động này mở ra triển vọng trong việc ứng dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm tăng hiệu quả sản xuất...

Chúng tôi đến gia đình ông Tạ Đăng Phong (thôn Yên Thái) vừa lúc nhà ông vừa ăn xong cơm trưa. Nhanh thoăn thoắt, Tuấn - cháu ông Phong bê mâm bát rồi lấy tay gạt đồ ăn thừa trên mâm cơm cùng vỏ hoa quả, rau thừa vào chiếc xô nhựa rồi cho vào thùng phân loại rác hữu cơ để ngay trước cửa nhà.

Ông Tạ Đăng Phong rất hài lòng kể từ khi  sử dụng chế phẩm EM để  xử lý rác thải.
Ông Tạ Đăng Phong rất hài lòng kể từ khi sử dụng chế phẩm EM để xử lý rác thải.

Yên tâm sống chung với rác

“Ngày trước, thùng rác của gia đình tôi để cách nhà cả chục mét để tránh mùi hôi. Khi Hội ND hướng dẫn chúng tôi xử dụng chế phẩm EM xử lý rác, không ngờ vừa hết mùi hôi, rác còn thành phân bón rất tốt cho cây” - ông Phong cho biết.

Chế phẩm sinh học EM Bokashi là sáng chế từ Nhật Bản, được Việt Nam mua lại từ năm 2006. Đây là công nghệ hàng đầu trên thế giới áp dụng phân loại xử lý rác thải, hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng chế phẩm sinh học. Công nghệ đã được phổ biến trên 200 quốc gia, trong đó có những quốc gia phát triển như Đức, Mỹ… Giá của chế phẩm chưa đến 40.000 đồng/lít.


Trung bình mỗi ngày, gia đình ông thải ra?khoảng 13kg rác sinh hoạt, trong đó khoảng 4kg là rác thải hữu cơ. Nếu áp dụng việc xử lý rác thải bằng chế phẩm EM, hàng tháng ông có khoảng 120kg phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn quả, rau của gia đình.

Không riêng ông Phong, gia đình anh Nguyễn Khắc Bút (thôn Tiền Lệ) cũng rất hào hứng: “Dùng chế phẩm EM góp phần cải thiện môi trường, giảm lượng rác thải trực tiếp, khử mùi hôi. Giờ gia đình tôi yên tâm “sống chung” với rác”. Anh Bút cho biết, trước đây gia đình anh để rác thải tận ngoài đường, nhưng mùi xú uế, hôi thối vẫn theo gió đưa vào nhà. Từ ngày sử dụng chế phẩm EM, gia đình anh đã đặt thùng rác ngay trước cửa ra vào mà môi trường vẫn rất trong lành.

Triển vọng nhân rộng

Ông Tạ Đình Hưng - Chủ tịch Hội ND xã Tiền Yên cho biết: Mô hình “Thu gom, phân loại rác tại nguồn và hướng dẫn sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng” là chương trình thí điểm được Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội phối hợp với Hội ND thành phố triển khai ở 100 hộ dân. Theo Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày khu vực ngoại thành Hà Nội thải ra môi trường khoảng 2.316 tấn rác thải sinh hoạt, Trong đó, rác hữu cơ chiếm khoảng 40-53%. Chưa đầy 1 tháng sau khi triển khai, mô hình điểm đã mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ không tham gia dự án đã đến học hỏi, đề nghị mua chế phẩm EM để phun khử khuẩn chuồng trại, xử lý rác thải tại gia đình.

Quy trình thực hành
Chế phẩm EM pha trộn cùng mật rỉ đường (hoặc đường) và nước theo tỷ lệ 1.1.18 (1 lít chế phẩm pha với 1 lít rỉ mật hoặc đường cộng với 18 lít nước). Tập kết và phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ => tách riêng rác thải hữu cơ => đổ đều dung dịch hỗn hợp nước chế phẩm đã pha sẵn lên mặt rác (cứ 20cm đổ một lần nước hỗn hợp EM) => chôn lấp ủ rác thải => tạo thành phân hữu cơ => bón cho cây trồng => tạo ra rác hữu cơ (quy trình khép kín).

Theo ông Lê Khắc Quảng - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Việt-Nhật thì việc sử dụng chế phẩm EM Bokashi khá đơn giản, nhưng hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng. Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải, khủ mùi hôi của rác thải mà công nghệ này còn góp phần giảm tải lượng rác thải, phân hoá rác thải thành phân hữu cơ để phát triển cây trồng sạch. Mô hình rất phù hợp với những khu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hoặc trồng rau, trồng cây ăn quả… ở trang trại tập trung.

“Không chỉ dùng xử lý rác thải, chế phẩm EM còn được một số quốc gia ứng dụng trong việc khử khuẩn nguồn nước thải, thanh lọc ao hồ, sông suối bị nhiễm bẩn sau mưa bão, lũ lụt. Việc hoà chế phẩm EM trong nước và phun dưới dạng sương trong các khu chuồng trại còn góp phần khử khuẩn, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong chăn nuôi”- ông Quảng cho biết.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem