Dùng đệm lót sinh học khi nuôi gà ở Thái Nguyên, dân yên tâm cái khoản "nặng mùi", hễ bán là hết gà
Dùng đệm lót sinh học khi nuôi gà ở Thái Nguyên, nông dân yên tâm cái khoản "nặng mùi", gà bán dễ
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 05/12/2024 14:21 PM (GMT+7)
Nhiều trang trại chăn nuôi gà ở xã Tân Khánh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang áp dụng phương pháp đệm lót sinh học giúp hạn chế mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí kháng sinh, hơn nữa gà lại khoẻ mạnh mà chất lượng thịt ngon.
Tiên phong ứng dụng phương pháp đệm lót sinh học vào chăn nuôi
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Khánh đã ứng dụng mô hình chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Việc sử dụng đệm lót sinh học đã mang lại những lợi ích và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú (xóm Cà, xã Tân Khánh) là một trong những người chăn nuôi gà đồi đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Bình với quy mô lớn. Ông Tuyên cũng là người tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp đệm lót sinh học vào chăn nuôi ở xã Tân Khánh.
HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú hiện có 8 thành viên tham gia, luôn duy trì số lượng đàn gà từ 20.000 – 30.000 con. Hiện nay, HTX đang phát triển mạnh mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm với gần 30.000 quả trứng mỗi ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Tuyên cho biết, trước đây trong một số lần đi nước ngoài ông được nghe nhiều người giới thiệu về phương pháp sử dụng đệm lót sinh học. Sau đó, ông nghiên cứu và tìm hiểu trên mạng thấy việc áp dụng phương pháp đệm lót sinh học trong chăn nuôi có nhiều lợi ích nên đã đưa vào thử nghiệm khoảng 4 năm nay.
"Sau 2 năm, nhận thấy hiệu quả mang lại, tôi đã tuyên truyền và vận động bà con trong Hợp tác xã cũng như các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Khánh ứng dụng. Đến nay, cơ bản các hộ thành viên trong Hợp tác xã của tôi và các thành viên liên kết đã áp dụng phương pháp này trong chăn nuôi gà", ông Tuyên chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (xóm Cà, xã Tân Khánh) là hộ thành viên liên kết với HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú đã có thâm niên chăn nuôi gà gần 30 năm nay. Ban đầu, gia đình ông chăn nuôi nhỏ lẻ sau đó phát triển quy mô lớn dần. Đến nay, gia đình ông Hiền đang có 3 trại gà với tổng diện tích 1.500m2, số lượng khoảng 20.000 gà đẻ.
Khoảng gần 1 năm nay, sau khi được tuyên truyền cũng như tìm hiểu thấy việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là việc giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, mùi hôi cho các hộ xung quanh nên ông Hiền đã đưa vào ứng dụng phương pháp này.
Ông Hiền cho biết, từ khi đưa vào ứng dụng phương pháp đệm lót sinh học đã giúp giảm mùi hôi từ chuồng trại chăn nuôi rõ rệt do phân gà được hút ẩm giúp chuồng trại khô ráo. Ngoài ra, sau khi sử dụng đệm lót sinh học, nguồn chất thải chăn nuôi cũng được bán ra thị trường dễ dàng hơn vì có nhiều người tìm mua.
Hiệu quả từ ứng dụng phương pháp đệm lót sinh học trong chăn nuôi
Đệm lót sinh học là hỗn hợp gồm chất độn chuồng (mùn cưa, mùn dừa, trấu…) và vi sinh vật được dùng lót trên nền chuồng trong chăn nuôi. Hoạt động của vi sinh vật giúp phân giải nước tiểu, phân.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, có tác dụng giảm được mùi hôi, hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường nông thôn.
Ngoài ra, sử dụng phương pháp này trong chăn nuôi còn giúp vật nuôi phát triển tốt, xuất chuồng sớm, hạn chế dịch bệnh nguy hiểm trong quá trình chăn nuôi, giảm chi phí kháng sinh, góp phần mang lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, ông Tuyên mua chế phẩm sinh học về để phun trên nền đệm lót, nhưng sau một thời gian, ông đã tự nghiên cứu và cho ra đời một loại chế phẩm riêng được ông đưa vào sử dụng và nhận thấy hiệu quả tốt hơn hẳn.
Với mỗi lít chế phẩm sinh học của ông Tuyên sẽ pha với tỷ lệ 5 lít nước phun cho 100m2 chuồng trại. Khoảng cách thời gian phun tuỳ theo mật độ vật nuôi, nếu mật độ đông sẽ phun tăng số lần lên. Ban đầu, trùng bình cứ mỗi tuần phun một lần sau đó giảm dần tần suất.
Khác với một số hộ chăn nuôi trên địa bàn sử dụng trấu để rải nền chuồng, ông Tuyên sử dụng mùn cưa. Mùn cưa được ông mua từ Tuyên Quang về với giá khoảng 1.000đồng/kg.
Theo ông Tuyên, việc sử dụng mùn cưa để lót chuồng trại sẽ giúp hút ẩm tốt hơn so với việc dùng trấu nên hiệu quả giảm mùi cũng cao hơn hẳn. Năm 2023, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam đã triển khai thực hiện mô hình trình diễn về ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà tại HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú. Trên cơ sở hiệu quả bước đầu mang lại, đã giúp lan toả mô hình đến nhiều thành viên của các HTX trên địa bàn xã Tân Khánh. Đến nay, bà con đang bắt tay vào áp dụng và nhân rộng phương pháp này trên nhiều hộ gia đình.
"Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi sẽ giúp giảm gần như tuyệt đối việc dùng hoá chất, từ đó mang lại an toàn cho người và vật nuôi", ông Tuyên cho hay. Từ những hiệu quả nói trên, hiện nay ông Tuyên đang nghiên cứu thử nghiệm đưa chế phẩm sinh học vào làm đạm thuỷ phân để phối trộn cùng với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ 5 lít chế phẩm/1 tấn thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế bệnh tật, giảm chi phí kháng sinh và nâng cao chất lượng thịt.
Cùng với việc sử dụng men vi sinh để phun trên nền đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi của chất thải chăn nuôi, ông Tuyên còn nghiên cứu công nghệ ủ phân với men vi sinh kết hợp với phân của giun trùn quế, các loại cá tạp, trứng gà loại để lên men tạo ra đạm thuỷ phân trong thời gian 3 tuần nhằm tăng dinh dưỡng cho phân, từ đó đem bón cho cây trồng góp phần tăng khả năng tái tạo đất làm cho đất tơi xốp, cây trồng phát triển tốt.
Sản phẩm phân bón này bước đầu được bà con sử dụng để bón cho cây chè cũng như đưa về các tỉnh để bà con bón cho rau hữu cơ và nhận được phản hồi rất tích cực. Đến nay, ông Tuyên đã đưa mẫu phân bón về Viện nghiên cứu công nghệ hỗ trợ nông nghiệp để test thử kết quả, trên cơ sở đó tới đây ông sẽ hoàn thiện sản phẩm cũng như thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.