Đừng “gượng ép” tăng trưởng tín dụng

14/07/2020 08:48 GMT+7
Ngân hàng kỳ vọng sẽ đưa thêm được nhiều vốn ra nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nên tăng theo sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chứ không nên cố gượng ép.

Báo cáo tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trong phiên họp mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra mạnh hơn trong thời gian gần đây. Nhất là từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, thị trường chứng kiến đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay của các NHTM.

Trong đó có những ngân hàng đã lần thứ 3 cắt giảm lãi suất cho vay như Agribank. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng này tối đa chỉ là 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm; đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Tín dụng tăng trở lại

Theo nhìn nhận của giới phân tích, những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc cắt giảm lãi suất cũng như tháo gỡ khó khăn để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, tín dụng tăng trưởng nhanh trở lại.

Nếu như tháng 4, tín dụng chỉ tăng 0,12% thì đến tháng 5 tín dụng đã tăng 0,53% so với tháng 4 và đến 29/6 thì mức tăng 1,28% so với tháng 5. Tuy nhiên tính tổng thể từ đầu năm đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Chỉ riêng trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,3 điểm %, tương đương với 106.540 tỷ đồng được bơm thêm ra nền kinh tế.

Sự khởi sắc trong hoạt động cho vay thể hiện rất rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VietinBank, ngân hàng có quy mô dư nợ lớn thứ ba hệ thống chỉ sau BIDV và Agribank.

Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng bao gồm cả chi nhánh nước ngoài của VietinBank đạt 946.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với đầu năm (tương ứng tăng 0,48%) và đặc biệt được cải thiện đáng kể trong tháng 6. Trước đó, vào trung tuần tháng 5, dư nợ tín dụng VietinBank ghi nhận giảm khoảng 2% so với đầu năm, nguyên nhân chủ yếu là tổng cầu tín dụng giảm.

Không chỉ VietinBank, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý II, đặc biệt là trong tháng 5 và tháng 6.

Theo đó, tính đến hết tháng 5/2020, tốc độ tăng tín dụng riêng lẻ HDBank là 8%, trong khi đến ngày 31/3, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 5,9%.

Tại VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, đến hết tháng 5, tăng trưởng tín của ngân hàng đã đạt hơn 12%, ngân hàng đã sử dụng gần hết "room" tín dụng được giao và đang đề nghị xin thêm. Trước đó, trong quý I, tăng trưởng cho vay của ngân hàng này mới chỉ ở mức 4,2%.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của TPBank cũng lên tới 11%, sát với hạn mức được NHNN phê duyệt (11,5%).

Đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng không nên "ép" tăng trưởng tín dụng

Theo đánh giá của nhiều tổ chức phân tích, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 khi hoạt động sản xuất đang dần phục hồi sau dịch, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN.

Nhiều ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ đưa thêm được nhiều vốn ra nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng phục hồi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù vốn rẻ và đã sẵn sàng, nhưng khả năng hấp thụ vốn đến đâu?

Đừng “gượng ép” tăng trưởng tín dụng - Ảnh 2.

Đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng không nên "ép" tăng trưởng tín dụng

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhìn nhận, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục, nhưng cầu tín dụng vẫn còn yếu. Nguyên nhân một phần do hiện hàng tồn kho DN lớn nên DN cũng không dám mạnh tay vay vốn để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến cho chuỗi sản xuất, cung ứng vẫn bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó DN cũng hạn chế vay vốn, khiến tín dụng khó tăng.

Dù vậy, vị chuyên gia này vẫn bảo lưu quan điểm, tín dụng tăng theo sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chứ không nên cố gượng ép. Nếu ép quá rất dễ phát sinh nợ xấu, chưa kể tạo áp lực cho lạm phát giai đoạn sau.

"Cung tiền tác động lên lạm phát thường có độ trễ có thể 2-3 năm. Hiện tại kinh tế khó khăn cần có chính sách nới lỏng, nhưng về lâu dài không thể nới lỏng mãi được. Nhất là đến giai đoạn kinh tế phục hồi, lạm phát quay trở lại. Đây là bài toán phải tính đến cho những năm sau. Dù là lo hơi xa nhưng theo tôi cần phải quan tâm đến không nên lơ là chủ quan", TS. Độ bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ vĩ mô, theo đánh giá của TS. Độ, nếu chỉ nỗ lực từ chính sách tiền tệ cũng khó có thể khiến tín dụng tăng nhanh để thúc đẩy tăng trưởng. Bởi dư địa chính sách tiền tệ còn hạn chế, khi lãi suất khó giảm thêm, còn tín dụng trông chờ vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

"Chỉ khi cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) chuyển động, dòng vốn mới có thể luân chuyển nhanh, mạnh. Do vậy, tất cả các chính sách cần phải triển khai một cách đồng bộ không thể chỉ dựa vào một chính sách nào mà cả guồng máy phải vận động nhịp nhàng", TS. Độ nhận xét.

Muốn vậy cần phải có giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. 

Huyền Anh
Cùng chuyên mục