Tại kỳ họp Quốc hội ngày 14/2/2025, một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy và phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Đại biểu Khánh Hòa) nêu ví dụ về việc Nghị định 137/2020 (ngày 27/11/2020) giao Thủ tướng quyết định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội, một công việc mang tính sự vụ nhỏ nhưng vẫn phải trình Thủ tướng. Điều này cho thấy tình trạng tập trung quyền lực quá mức, khiến lãnh đạo cấp cao bị sa đà vào các vấn đề hành chính vụn vặt, trong khi những quyết sách lớn hơn cần nhiều thời gian và sự tập trung hơn.
Việc phân quyền mạnh mẽ hơn cho các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là phù hợp với thông lệ quản trị hiện đại. Để Thủ tướng có thời gian tập trung vào các vấn đề vĩ mô, chiến lược, thay vì bị chi phối bởi những quyết định có thể giao cho cấp dưới.
ĐBQH Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Hồ Long
Đây không phải lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội nêu lên thực trạng này. Trong nhiều bài phát biểu của mình khi nói về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm thường nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của các cấp chính quyền "Đúng vai, thuộc bài".
"Đúng vai"- Mỗi cấp chính quyền, mỗi cán bộ cần hiểu rõ vị trí, vai trò, thẩm quyền của mình, không lấn sân hoặc né tránh trách nhiệm. Những vấn đề thuộc phạm vi địa phương thì lãnh đạo địa phương phải quyết định, thay vì đẩy lên trung ương.
"Thuộc bài"- Cán bộ phải nắm chắc quy định pháp luật, chính sách, không lúng túng trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo công việc vận hành đúng quy trình, đúng quy định, tránh tình trạng đùn đẩy hoặc lạm quyền.
Yêu cầu này phản ánh một trong những vấn đề tồn tại lâu nay trong hệ thống hành chính Việt Nam: Nhiều việc lẽ ra thuộc thẩm quyền địa phương nhưng vẫn bị đẩy lên trung ương, dẫn đến tình trạng quá tải cho cấp cao, trong khi cấp dưới thụ động, sợ trách nhiệm hoặc thiếu năng lực quyết đoán.
Ngược lại, cũng có trường hợp Trung ương can thiệp quá sâu vào những vấn đề lẽ ra địa phương có thể tự giải quyết, làm giảm tính linh hoạt và hiệu quả quản trị.
Đến bài học "Điều tiết Hồ Thác Bà" của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi phát biểu tại thảo luận tổ Quốc hội về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) ngày 12/2/2025, khi ông nhắc đến việc điều tiết hồ Thác Bà để không vỡ đê Hoàng Long cũng phải báo cáo Thủ tướng, là một ví dụ điển hình cho tình trạng tập trung quyền lực quá mức trong hệ thống hành chính hiện nay.
Câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra: "Với việc điều tiết, phá đập hồ Thác Bà, Bộ trưởng quyết được, sao phải lên đến Thủ tướng?" đã phản ánh một bất cập lớn: Những quyết định mang tính chuyên môn, thuộc thẩm quyền bộ ngành, nhưng vẫn bị đẩy lên cấp cao nhất.
Bất cập của việc dồn quyền lên cấp cao nhất:
Gây quá tải cho lãnh đạo cấp cao: Nếu mọi quyết định lớn nhỏ đều phải chờ ý kiến từ Thủ tướng, bộ máy hành chính sẽ chậm chạp, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến phản ứng chính sách kịp thời.
Làm mất tính chủ động của các bộ ngành: Bộ trưởng và các cơ quan chuyên môn có đầy đủ chuyên gia, dữ liệu và năng lực để quyết định trong phạm vi quản lý của mình. Nếu việc điều tiết hồ chứa nước – một nhiệm vụ kỹ thuật thuần túy – cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, thì rõ ràng bộ ngành đang bị vô hiệu hóa một phần quyền hạn.
Tăng nguy cơ chậm trễ trong xử lý tình huống khẩn cấp: Trong trường hợp thiên tai, bão lũ, việc ra quyết định phải nhanh chóng, linh hoạt. Nếu chờ báo cáo, xin ý kiến từ cấp trên, nguy cơ hậu quả nghiêm trọng hơn là rất lớn.
Vì sao lại có tình trạng này?
Trước hết là do tâm lý sợ trách nhiệm: Một số bộ ngành lo ngại nếu tự quyết định mà có sai sót, họ sẽ bị kiểm điểm hoặc chịu trách nhiệm, nên chọn cách an toàn là xin ý kiến Thủ tướng.
Hai là, hệ thống pháp lý chưa rõ ràng: Nhiều quy định vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, dẫn đến việc bộ ngành không dám quyết.
Ba là, tư duy quản lý cũ, tập trung quyền lực: Ở một số lĩnh vực, vẫn còn tư duy Trung ương quyết hết mọi thứ, làm giảm hiệu quả của bộ máy hành chính.
Tác giả bài viết, nhà báo Lê Thọ Bình. Ảnh: DV
Từ chỉ đạo "Đúng vai, thuộc bài" của Tổng Bí thư Tô Lâm và bài học của hồ Thác Bà, có thể rút ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước như sau:
Xác định rõ thẩm quyền của từng cấp trong luật và nghị định: Những vấn đề chuyên môn thuộc bộ nào thì Bộ trưởng bộ đó có quyền quyết định, không cần xin ý kiến cấp trên. Ví dụ, Bộ NNPTNT có quyền quyết định điều tiết hồ thủy lợi, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá điện trong phạm vi được giao.
Tạo cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Nếu cán bộ làm đúng quy trình, đúng luật nhưng kết quả không như mong muốn, cần có cơ chế bảo vệ để tránh tình trạng né tránh trách nhiệm.
Giám sát nhưng không làm tê liệt quyền hạn: Kiểm soát quyền lực là cần thiết, nhưng không nên biến nó thành rào cản. Thay vì yêu cầu báo cáo lên cấp cao nhất, cần có cơ chế kiểm tra sau để đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Ứng dụng công nghệ để xử lý nhanh các thủ tục: Xây dựng hệ thống quản lý hành chính điện tử giúp cấp trên có thể giám sát từ xa, thay vì phải trực tiếp phê duyệt từng quyết định.
Từ thực tế trên cho thấy, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc "đúng vai, thuộc bài" và câu chuyện của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoàn toàn hợp lý và phản ánh một yêu cầu cấp thiết trong cải cách hành chính: phân cấp mạnh hơn, trao quyền nhiều hơn cho các bộ ngành và địa phương. Nếu cứ duy trì cơ chế cái gì cũng xin phép cấp trên, bộ máy nhà nước sẽ kém hiệu quả, trì trệ, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của đất nước.
Nếu tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc không được giải quyết, nền hành chính sẽ tiếp tục trì trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần có sự quyết liệt từ trên xuống, cơ chế rõ ràng để khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng thời cải thiện hệ thống giám sát để bảo vệ những người có năng lực và tâm huyết với công việc.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc giao quyền mà còn ở cách tổ chức thực hiện: Cần có trách nhiệm giải trình rõ ràng, nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện cơ chế giám sát, để phân quyền thực sự mang lại hiệu quả chứ không trở thành lỗ hổng cho sự vô trách nhiệm hoặc lạm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.