Đường chữ qua rừng đói

Thứ hai, ngày 17/09/2012 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giữa đại ngàn, cuối trời Tây Bắc có những con đường chỉ có giáo viên đi, người ta gọi ấy là đường chữ.
Bình luận 0

Trên con đường chữ có nước mắt, nụ cười và cả tình yêu đôi lứa, nuôi cho dòng chữ chảy về các bản nghèo, nơi chỉ có hai mùa no – đói...

Bài 1: Những con đường không dấu

Sướng vì còn một nửa cái khổ

Giáo viên ở vùng Bắc Ka Lăng nay là xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) bảo chúng tôi: “Bây giờ sướng nhiều rồi”. Sướng vì đã có con đường mới mở vào đến bản Tá Bạ, trung tâm xã. Con đường dù đi phải thủ thêm bộ dây xích quấn vào bánh xe chống trượt, cũng bớt được 1 ngày đi bộ, “sức không bị kiệt”.

img
Các thầy giáo ở Trường dân tộc bán trú xã Tá Bạ trên đường đến điểm trường Nhóm Pó.

Một ngày đầu tháng 9.2012, khởi hành từ bản Tá Bạ, chúng tôi cùng các thầy giáo đi Nhóm Pó, Vạ Pù, hưởng cái sự “sướng lắm”. Trang bị đi bản mà như đi thám hiểm, mang tất cả mọi thứ, quần áo, tất chân phải cẩn thận, chặng đường này cũng là vương quốc của ruồi vàng và vắt. Sau một ngày đến bản Nhóm Pó, tôi đếm mình bị 19 nốt vắt cắn, vẫn thua xa “kỷ lục” của thầy giáo Lò Văn Xanh lập tháng 9.2011, với 51 vết vắt cắn.

Bản Nhóm Pó của 42 hộ dân người La Hủ, thậm chí khó có thể dùng từ nghèo. Nếu không có những mái tôn do Nhà nước hỗ trợ, liệu những ngôi nhà ấy có thể gọi là cái gì cho đúng. Mấy ngôi nhà đã nghiêng hẳn, người ta không dựng lại mà lấy cây chống, chắc đợi bao giờ sập, dựng lại luôn cho ... bõ công.

Ra khỏi bản Tá Bạ bắt đầu leo núi, ngọn núi ngửa mặt trông lên, mệt, mấy lần muốn đứt hơi mới lên tới đỉnh, trập trùng núi trước mặt. Thầy Chu Chu Cà chỉ về ngọn núi xa tít: Nhóm Pó ở đó, bên phải cách đó… ít ngọn núi đến Vạ Pù.

Tụt dốc, bắt đầu chặng đường rẽ cây đi, đang giữa mùa mưa, cỏ gianh, lau, cành cây phủ kín lối. Không đủ sức phạt cây, nhiều đoạn mấy anh em tôi bò trong rừng. Bò xuống cứ quay đầu mà tụt, chân người sau đạp mặt người trước, vắt theo tay mà lên vào nách, vào ngực. Lúc nghỉ theo vết máu trên áo mà lần, thấy sản phẩm ngay.

Lúc đầu còn sợ, sau quen cứ tóm chú vắt ngoe nguẩy để cười. Gần nửa chặng đường đi Nhóm Pó phải lần theo lòng suối, không có một dấu vết nhỏ của con đường, tôi đã hiểu tại sao các giáo viên chuẩn bị kỹ thế. Chặng này mà gặp lũ, thoát mất mạng thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ có ngủ rừng. Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi ở trên đỉnh ngọn Cây Trúc, lần đầu tiên thấy dấu hiệu có người: Lá cờ của tổ Biên phòng đóng ở bản Nhóm Pó. Tôi và anh bạn đồng nghiệp ngồi bệt xuống đất, gân cốt nhũn ra. Thầy Lò Văn Vinh bảo lần đầu vào điểm trường này, đi một mình, đến lúc nhìn thấy lá cờ là bật khóc.

Thêm một ngày đường để đến bản Vạ Pù, một ngày đường nữa để trở về Tá Bạ. Cả 3 ngày đi đường, chúng tôi không gặp một người dân nào, tuyến đường ấy hình như chỉ có giáo viên và Bộ đội Biên phòng đi. Hơn năm nay tuyến đường có thêm các em học sinh THCS từ hai bản về trường ở Tá Bạ học bán trú, mấy anh Bộ đội Biên phòng bảo tuyến đường ấy có thể đặt tên là: Đường Chữ.

Đội cửu vạn giáo viên

Các bản ở Tá Bạ, cái có thể mua được có lẽ chỉ là măng, các thứ khác từ gạo, thực phẩm, đồ dùng, sách vở của cả giáo viên và học sinh đều phải gùi vào. Tiền thuê gùi 17.000 đồng/kg, tính mỗi thầy cô tháng cần 30kg đồ thì tiền thuê hết tiền lương.

Thuê thì “còn đâu tiền mua đồ”, đành tự mình làm cửu vạn cho mình. Chúng tôi đi, các thầy mang hộ ba lô mà bao lần muốn gục xuống, hỏi các thầy sao khỏe vậy, thầy Cà bảo “quen, với lại chúng em mang thêm 15 cân cũng chỉ nặng bằng các anh thôi”. Quả thật “đội” các thầy không thấy ai beo béo một chút, cỡ làng nhàng trên dưới 50 ký.

Kỷ lục mang nặng là thầy Lò Văn Xanh, chuyến lập kỷ lục của thầy cũng là chuyến kỷ lục bị vắt cắn. Thầy cõng 35 kg hàng, vừa đi vừa đỡ vợ, cô giáo Đao Thị Hình. Có thầy giáo thú thật: “Cõng hàng nặng quá đứng khóc dưới trời mưa một mình”.

Chuyện làm cửu vạn của các cô giáo thì thật quả trăm đường cơ cực. Mỗi chuyến là một lần lựa, san sẻ cho đồng nghiệp nam cõng giùm, về bản nhận thổi cơm, rửa bát, giặt quần áo trả nợ. Khôn nhất có lẽ là tóm ngay lấy một thầy làm chân “cửu vạn chung thân” cho mình.

Cô Bùi Thị Cúc - giáo viên mầm non ở Nhóm Pó năm 2011, đã có chồng con rồi, không tìm được cửu vạn chung thân, chuyến đầu thuê gùi 2 triệu đồng, xót tiền quá đành tự cõng, mỗi tuần một chuyến 8-9 kg. Hỏi cô Cúc đã bao giờ phải khóc giữa đường vì cõng hàng chưa, cô lắc đầu bảo “nhiều khi muốn khóc lắm, nhưng giữa rừng khóc… ai nghe”.

Năm học này, các điểm trường quá sâu và xa, ở Tá Bạ, nhà trường không phân giáo viên nữ cắm bản nữa, chặng đường cửu vạn của các cô bớt đi được nhiều. Với các thầy cũng bớt một ít ở cái phần “san sẻ” của các cô, nhưng cũng buồn. Cả điểm trường như Nhóm Pó, 7 giáo viên mà toàn là đàn ông, kể cả 2 giáo viên mầm non.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem