Đường dây làm bằng giả siêu rẻ: Bao giờ công an mới nhập cuộc?

Nhóm PV điều tra Thứ bảy, ngày 06/09/2014 19:30 PM (GMT+7)
Sau khi nhận tiền đặt cọc để làm tấm bằng thạc sĩ, bà K liên tục hối thúc chúng tôi  mang tiền đến lấy “hàng”. Như đã hẹn, chúng tôi đến nhà bà K “chồng tiền, lấy bằng”... 
Bình luận 0

“Tui đâu có ngu”

Lúc chúng tôi đến, trong nhà bà K có 2 phụ nữ. Loáng thoáng trong cuộc trao đổi của họ với bà K, nội dung chỉ xoay quanh câu chuyện… làm giấy tờ. Thấy chúng tôi bước vào, bà K mừng ra mặt. Để mặc 2 phụ nữ đang kỳ kèo giá cả, bà K vội lôi chúng tôi xuống bếp. Từ trong đống thùng carton xếp gọn ở góc nhà, bà lôi ra xấp bằng giả được “ngụy trang” trong mớ báo cũ rồi nhỏ giọng: “Giấu ở đây mới an toàn…”. Khá bất ngờ, dù vừa ở Côn Đảo mấy ngày nhưng khi về bà vẫn kịp đặt cho chúng tôi tấm bằng thạc sĩ theo yêu cầu (theo bà K, chẳng bao giờ bà để bằng giả trong nhà bởi sợ công an đánh… úp).

Vừa đưa tấm bằng thạc sĩ cho chúng tôi, bà K vừa hướng dẫn cách sử dụng: “Cô photo và công chứng cho tụi con 5 bộ bằng cấp và bảng điểm. Khi nào đi xin việc thì chỉ cần gửi bản photo có công chứng này ra là được. Không ai phát hiện được đâu. Ở đây, chỗ ngày công chứng còn để trống, khi nào xin việc thì tụi con điền ngày vào cho sát ngày nộp hồ sơ”.

Vì để chờ phối hợp với cơ quan chức năng cùng vào cuộc, chúng tôi viện lý do chưa đủ tiền, khi nào đủ tiền sẽ lấy bằng sau. Nghe đến đó bà K xua tay lia lịa: “Trời đất, mấy đứa cầm hết đi, khi nào có tiền thì trả. Để lại một cái bằng này trong nhà cho công an còng tay à!”. Nói đoạn bà hối chúng tôi trả tiền rồi vội vàng… tiễn khách.

Theo thông tin chúng tôi có được, vài năm trước bà K suýt bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Không hiểu do may mắn hay giỏi lách, bà K thoát được cảnh tra tay vào còng số 8. Nhắc lại vụ này bà K vẫn chưa hết sợ: “Lần ấy một ông thiếu tá hình sự giả danh đi mua bằng giả, có nhờ tôi làm giúp. Nhìn người là tui biết liền. Tui đâu có ngu!”.

Đề nghị công an cùng vào cuộc

Sau nhiều ngày “đeo” đường dây làm bằng giả, Văn phòng đại diện Báo NTNN tại TP.HCM đã quyết định gửi công văn đến Công an tỉnh Đồng Nai và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 Công an tỉnh Đồng Nai) đề nghị cùng phối hợp với PV nhằm bắt quả tang và triệt phá đường dây này.

Ngày 18.8, PV NTNN có mặt tại trụ sở Phòng PC45 (Công an tỉnh Đồng Nai) để gửi công văn và đề nghị được phối hợp phá đường dây làm bằng giả của bà K. Đại tá Nguyễn Đình Ngà – Trưởng phòng PC45, xem qua công văn rồi hướng dẫn sang trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai liên hệ nhờ chỉ đạo.

Ngày 28.8, đại úy Lê Chí Hiếu – Phó đội trưởng Đội 7 (Phòng PC45, Công an tỉnh Đồng Nai), đã làm việc với Văn phòng đại diện Báo NTNN tại TP.HCM về đường dây làm bằng cấp giả của bà K. Văn phòng đã cung cấp đầy đủ những bằng chứng của PV khi tiếp cận bà K cũng như nhắc lại đề nghị được phối hợp triệt phá đường dây này.

Kế hoạch đánh úp đường dây làm bằng cấp giả suốt hơn 20 năm của bà K xem như đã được khởi động. Chúng tôi biết rằng vụ này sẽ chưa chấm dứt cho dù lần ra mắt xích quan trọng của đường dây và xã hội sẽ còn đảo điên, nhức nhối nếu như chưa có sự vào cuộc của Công an tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, tiếc là cho tới thời điểm ngày 3.9, sau khi liên lạc với phía Công an tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được biết do bận nhiều vụ án khác nên vụ việc mà PV NTNN điều tra vẫn chưa thể khởi động.

 Nhìn là biết giả

Để xác minh lời hứa “chắc nịch” của bà K về việc bằng cấp ở đây làm “không ai biết đâu”, chúng tôi đã mang 2 tấm bằng thạc sĩ vừa làm được từ đường dây này đến Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhờ xác minh. TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Viện trưởng Viện sau ĐH của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khẳng định: “Nhìn vào bằng này là biết ngay giả mạo”.

Ông Dũng dẫn chứng: Chữ ký nháy ở trên bằng cấp phải do Viện trưởng Viện sau ĐH ký, sau đó mới chuyển cho Hiệu trưởng Trường là GS-TS Nguyễn Đông Phong ký tên và đóng dấu. Tuy nhiên trên văn bằng thạc sĩ này chữ ký nháy lại giả của TS Trần Thế Hoàng (Trưởng phòng Đào tạo). Chưa hết, phôi bằng chính thức bậc thạc sĩ do Bộ GDĐT cấp có màu đỏ sậm và khổ lớn hơn so với bằng cấp giả. “Một nguyên tắc bất di bất dịch trên bằng cấp theo quy định của Bộ GDĐT là nếu người được cấp bằng có tháng sinh từ tháng 1 đến tháng 3 thì mới để số 0 đằng trước, từ tháng thứ 4 trở đi thì không để số 0 nữa…” - ông Dũng chỉ rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem