Đường đi bão số 9 khó lường giống bão số 12/2017
Đây là cuộc họp do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức, với sự tham dự của đại diện 14 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh. Đây là những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Dự báo đường đi ATNĐ (có khả năng mạnh lên thành bão và là cơn bão số 9 trên biển Đông). Ảnh: nchmf
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã vào biển Đông và thành bão số 9, đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây. Khả năng bão và không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đồng thời, vì thế khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa bão có khả năng sẽ mạnh lên tới cấp 9-11 và khu vực khả năng ảnh hưởng của bão số 9 sẽ là các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự báo bão di chuyển chậm (10km/h) và liên tục mạnh lên. Bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to cho suốt dọc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, khu vực các tỉnh Đắc Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dự báo bão đổ bộ vào sáng và chiều 24.11 nên nguy cơ mưa, ngập lụt tại các tỉnh vào đêm 23.11 là rất cao, cần tập trung ứng phó.
Dự kiến, bão đi vào TP.Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng lượng mưa lớn tại tỉnh Phú Yên. Nhiều khả năng trong chiều và tối ngày 23.11 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu, cường độ của bão khi đổ bộ có thể lên tới cấp 8-9.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo ứng phó và thiệt hại do bão số 12 năm 2017 (vì bão số 9 có đường đi gần giống bão số 12 năm 2017).
Mưa lũ vừa qua gây thiệt hại kinh hoàng tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: CT
Nhiều tỉnh sẽ có mưa lớn, cảnh giác lũ quét, sạt lở
Dự báo đợt mưa lớn sẽ kéo dài bắt đầu từ 22.11 khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Bộ. Sau đó, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to kéo dài liên tục từ ngày 23-28.11 ở miền Trung. Trong đó, trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm.
Dự báo, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất thì các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão này.
Lốc xoáy tàn phá tại Phú Yên ngày 18.11. Ảnh: HP
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Cơn bão số 9 sắp tới đi chậm, mưa lớn nên dễ xảy ra lũ quét, sạt trượt, nhất là các điểm xung yếu nên các địa phương phải hết sức chủ động, không chủ quan trước, trong và sau bão số 9.
Bộ NNPTNT cùng các địa phương cần chủ động kiểm tra các hồ đập, xem xét lại quy trình vận hành dể đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất nhưng không để xảy ra sự cố vỡ đập. Các địa phương chủ động, linh hoạt, có phương án cụ thể ứng phó với bão số 9 và đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Chủ động nhiều phương án đối phó với bão số 9
Đối với trên biển, triển khai thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng. Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản.
Bộ Ngoại giao liên hệ, trao đổi với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các đảo khi có nhu cầu.
Trên đất liền, tiếp tục sơ tán trong các hộ dân trong khu vực sạt lở có nguy cơ mất an toàn. Chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch.
Tổ chức tính toán để chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt các hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đã trên 70% dung tích.
Triển khai các lực lượng, nhất là các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, chủ động rà soát các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ để kịp thời ứng phó.
Triển khai kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo thông tin, liên lạc, các trang thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản. Tổ chức hướng dẫn sắp xếp kỹ thuật neo đậu tàu thuyền tại bến. Triển khai gia cố bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, tranh thủ thu hoạch sớm hải sản sắp đến kỳ thu hoạch. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền hoạt động du lịch trên biển. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.