Đường ngoại “hô biến” thành đường nội đe dọa “xóa sổ” ngành mía đường Việt Nam

02/11/2019 07:30 GMT+7
Những thách thức từ gian lận thương mại, buôn lậu, việc thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ đầu năm 2020 đang ảnh hưởng và đe dọa "xóa sổ" ngành mía đường Việt Nam.

Muôn màu cách nhập lậu

Theo báo cáo mới đây, tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ buôn lậu đường, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá hơn 12,5 tỷ đồng. Với những phương thức tinh vi như: Thay đổi bao bì, nhãn mác Việt Nam để biến đường ngoại thành đường nộ, xoay vòng hóa đơn để hợp thức hóa; Trộn lẫn đường nhập lậu với đường nội địa để đóng bao bì; Hóa lỏng đường cát, chế biến thành đường phèn, ngụy trang đường cát lậu,… các đối tượng vẫn đang không ngừng vận chuyển hàng nghìn tấn đường lậu vào Việt Nam. 

Theo ước tính của ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan qua đường bộ Campuchia, vào Việt Nam trong năm qua đã lên tới con số khoảng 800.000 tấn.

Đường lậu với giá rẻ đang khiến hàng chục doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh, nhiều nơi đóng cửa và đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân của việc không thể ngăn cản đường lậu được ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đưa ra là có một phần buông lỏng quản lý ở địa phương, đặc biệt trên tuyến nổi cộm An Giang, Long An, Tây Ninh. 

"Sự phối hợp chống buôn lậu từ biên giới vào sâu trong nội địa chưa đồng bộ, còn có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, một số nhà máy hệ thống phân phối đường vì lợi nhuận cục bộ chưa thống nhất và đồng tâm chống buôn lậu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, thậm chí còn tiếp tay cho buôn lậu", ông Cẩn cho hay.

Đường ngoại “hô biến” thành đường nội đe dọa đe dọa “xóa sổ” ngành mía đường Việt Nam - Ảnh 1.

Ngành mía đường "lâm nguy" vì đường nhập lậu

Từ 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0% theo cam kết ATIGA. Theo ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty KCP Việt Nam cho biết, khi Hiệp định Atiga có hiệu lực thì lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam càng lớn và giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20%.

Theo Bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn được nữa. Điều này có nghĩa, sau ngày 1/1/2020, đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000 - 9.000 đồng/kg sẽ tràn vào thị trường Việt Nam.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp, người nông dân trồng mía Việt Nam?

Cụ thể, tại Thái Lan, chính phủ khuyến khích nông dân trồng mía bằng cách duy trì chính sách đường bảo hộ cao với sự can thiệp đáng kể trong hầu hết các hoạt động của ngành đường.

Chính phủ Thái Lan quy định giá bán đường và giá mua mía, nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía.

Trong trường hợp giá thấp hơn dự đoán, người trồng mía không phải trả lại thâm hụt, các nhà máy được bù đắp bởi Quỹ Mía đường do nhà nước điều hành.

Mới đây, Thái Lan đã bãi bỏ việc thu 5 Baht từ mức giá nhà máy đóng góp vào Quỹ Mía đường quốc gia. Ngoài ra, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70 - 30 giữa nông dân và người sản xuất vẫn được duy trì.

Văn phòng mía đường cũng thông qua ngân sách hỗ trợ nông dân lên đến 50 Baht/tấn, tối đa 5.000 Baht/người. Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích sử dụng đường trong kế hoạch kinh tế sinh học, cụ thể phân bổ 500.000 tấn đường để sản xuất xăng ethanol thay thế cho nguyên liệu sắn.

Đường ngoại “hô biến” thành đường nội đe dọa đe dọa “xóa sổ” ngành mía đường Việt Nam - Ảnh 2.

Ngành mía đường Việt Nam đang gặp khó khăn

Bên cạnh đó, Thái Lan không cấp phép nhập khẩu thường niên, doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu đường vào Thái Lan thì phải trực tiếp đi xin giấy phép song thực tế việc này hiếm khi xảy ra.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 68, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức vay tối đa lên đến 100% giá trị trang thiết bị.

Về lý thuyết, với chính sách trên, nông dân trồng mía có thể đầu tư mua mới thiết bị cơ giới phục vụ việc làm đất, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch hoàn toàn chỉ bằng nguồn vốn vay, được miễn lãi suất trong hai năm đầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn thông qua chính sách này rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục, quy định về danh mục chủng loại máy, cách xác định đối tượng vay.

Để nông dân có vốn đầu tư, các doanh nghiệp lớn phải tự đứng ra cho vay hoặc liên kết với các ngân hàng cung cấp các gói tín dụng nông nghiệp với lãi suất ưu đãi. Việc các DN phải "gánh" đủ mọi khâu trong chuỗi sản xuất cung ứng khiến nhiều đơn vị dường như đã kiệt sức, ngành đường Việt Nam đang trong gian đoạn khó khăn hơn bao giờ hết.

Liệu có thể kéo dài thêm thời gian thi hành ATIGA? Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu năm 2020 thực hiện ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch tràn vào Việt Nam, giá đường trong nước sẽ phải giảm thêm 15 - 20% khiến doanh nghiệp đường trong nước và 33 vạn hộ nông dân chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh. Do đó, VSSA kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thêm thời hạn bỏ thuế suất 3 - 5 năm.

Mai Trang
Cùng chuyên mục