Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vướng mắc lớn đối với giải ngân vốn ODA

03/11/2020 10:16 GMT+7
Tính đến hết tháng 10/2020, Bộ GTVT đã giải ngân 4.091 tỷ đồng vốn ODA cho các dự án giao thông, đạt tỷ lệ 66,7%, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay có thể ảnh hưởng tới kết quả giải ngân là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đến thời điểm hết tháng 10/2020, Bộ GTVT đã giải ngân 4.091 tỷ đồng vốn ODA cho các dự án giao thông, đạt tỷ lệ 66,7%, đây là tỷ lệ cao cao nhất trong số các bộ, ngành Trung ương và cao gấp gần hai lần so với mức bình quân chung cả nước (35,88%). Tuy nhiên, vẫn còn có vướng mắc trong công tác giải ngân vốn ODA tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trong đó, Bộ GTVT đã giải ngân theo tiến độ đối với các dự án trọng điểm như: Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (TP Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, khánh thành ngày 11/10 chỉ sau 28 tháng thi công.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vướng mắc lớn đối với giải ngân vốn ODA  - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đây là dự án thực hiện theo tiến độ công trình hoàn thành đúng theo hợp đồng đã giải phóng nguồn vốn kế hoạch năm 2020 phân bổ cho dự án rất lớn. Vốn kế hoạch 2020 phân bổ cho dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là 706 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10/2020, dự án đã giải ngân được 484,5 tỷ đồng, đạt 68,5%.

Cùng với đó là dự án cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định (tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, vốn vay EDCF) và dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tổng mức đầu tư 1.673 tỷ đồng, vốn vay ADB).

Đến hết tháng 10/2020, khi dự án nâng cấp QL217 đã giải ngân 121,5/202 tỷ đồng, đạt 60,1% kế hoạch, dự án cầu Thịnh Long cũng kịp tiêu 38 tỷ đồng trong tổng số 69,4 tỷ đồng vốn kế hoạch được phân bổ năm 2020, đạt 54,7%.

Tại khu vực phía Nam,dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư lên tới 6.355 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đã được Bộ GTVT tổ chức thông xe kỹ thuật vào ngày 15/10/2020 sau hơn 4 năm thi công.

Vốn kế hoạch năm 2020 được giao cho dự án là 1.200 tỷ đồng, đến hết tháng 10/2020, chủ đầu tư dự án đã thực hiện giải ngân được 814,7 tỷ đồng, đạt 67,9% kế hoạch.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án giao thông khác sử dụng vốn vay ODA được Bộ GTVT đảm bảo tiến độ thi công và có kết quả giải ngân cao như: Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 đã giải ngân 680,9/795,9, đạt 80,8%; Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mêkông (479,5/584 tỷ đồng, đạt 82%); Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương - LRAMP (825/1.175 tỷ đồng, đạt 70,2%),...

Thông tin về công tác giải ngân vốn ODA, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

Đến ngày 31/10, Bộ GTVT đã giải ngân 4.091/6.131 tỷ đồng vốn ODA, đạt 66,7% kế hoạch năm 2020, trong khi tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 35,88%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 36,6%), tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020 của Bộ GTVT cao gấp gần 2 lần.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo xuống các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc lập kế hoạch giải ngân phải sát với thực tế; khẩn trương hoàn thiện thủ tục hồ sơ các dự án đang chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ đối với các dự án đang triển khai, đảm bảo chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB...

Bộ GTVT còn ban hành chỉ thị về công tác giải ngân, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan (trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% sẽ không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020).

Trong quá trình giải ngân, đại diện Bộ GTVT cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay có thể ảnh hưởng tới kết quả giải ngân nguồn vốn nước ngoài trong năm 2020 của Bộ GTVT là việc tiếp tục thanh toán cho nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Hiện nay, để dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, Bộ GTVT đang dự trù thanh toán khoảng 20 triệu USD (460 tỷ đồng) cho dự án sau khi xử lý được các vướng mắc có liên quan. Nếu có thể thanh toán khoản dự trù này, Bộ GTVT sẽ đảm bảo hoàn thành 100%, thậm chí giải ngân vượt kế hoạch 2020 vốn nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo Thủ tướng về tiến độ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11/2020, có 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, sẽ phấn đấu trong tháng 12, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành nghiệm thu có điều kiện.

"Đặc biệt, cam kết sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII" Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của nước ta, được ký kết vào năm 2008.

"Việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.

Có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, TP Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình.

Thế Anh
Cùng chuyên mục