EURO 2020: Vì sao dám để hơn 6 vạn CĐV không khẩu trang ngồi kín sân trận Pháp-Hungary?

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 20/06/2021 10:10 AM (GMT+7)
Hungary là một trong những quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu châu Âu. Chiến lược tiêm vaccine đã giúp người hâm mộ bóng đá Hungary có thể tự do vào sân xem các trận đấu tại Euro 2020.
Bình luận 0

Hàng ngàn cổ động viên Hungary diễu hành trên đường phố trước trận đấu giữa ĐT Hungary và ĐT Pháp.

Sân vận động Puskas Arena ở thủ đô Budapest, Hungary, ngày 19.6 đón khoảng 61.000 cổ động viên đến xem trận đấu giữa Hungary và Pháp tại lượt trận thứ hai bảng F trong khuôn khổ Euro 2020.

Đây là cảnh tượng trái ngược so với nhiều sân vận động tổ chức các trận đấu tại vòng chung kết Euro 2020. Sân vận động Wembley của Anh giới hạn cổ động viên vào sân, chỉ 25% so với sức chứa tối đa 90.000 chỗ ngồi.

Sở dĩ các cổ động viên Hungary được tự do vào sân xem bóng đá, không cần đeo khẩu trang là nhờ chương trình tiêm chủng ở quốc gia này. Ước tính 5,3 triệu người trong tổng số 9,8 triệu người dân Hungary đã được tiêm vaccine trước khi Euro 2020 khai mạc.

img

Cổ động viên Hungary đến sân xem bóng đá mà không cần đeo khẩu trang.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói vaccine chính là “áo giáp chống đạn” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhiều quy định phòng dịch cũng được dỡ bỏ ở Hungary trước thềm Euro. Điều này rất có ý nghĩa, nếu biết rằng Hungary từng là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất, cứ 100.000 dân thì có 289 người tử vong, theo số liệu đầu tháng 5.2021 của Woldometers.

Bất kì ai đã tiêm vaccine đều được tham gia các cuộc tụ tập trong nhà, ăn tối tại nhà hàng hay đến rạp chiếu phim, rạp hát.

Công dân Hungary đến sân Puskas Arena được yêu cầu đeo vòng tay chứng minh đã tiêm chủng. Các cổ động viên nước ngoài phải làm xét nghiệm PCR, 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra.

img

Trận hòa 1-1 với ĐT Pháp được coi là một thành công của ĐT Hungary.

Theo Hungary Today, trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, Hungary sử dụng nhiều loại vaccine, trong đó chiếm tỉ lệ lớn nhất là vaccine Pfizer-BioNTech, xếp thứ hai là Sinopharm của Trung Quốc. Các loại vaccine xếp sau lần lượt là AstraZeneca, Moderna và vaccine Sputnik V của Nga.

Hồi tháng 2, Hungary cũng là nước EU đầu tiên mua 2 loại vaccine nằm ngoài danh sách được EU phê chuẩn là Sinopharm, Sputnik V. Hiện tại, Hungary đã thông qua 8 loại vaccine. Hồi tháng 5, chính phủ nước này cũng thông báo kế hoạch sản xuất trong nước vaccine Sinopharm do Trung Quốc phát triển.

Phát biểu ngày 18.6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói Hungary là quốc gia duy nhất ở châu Âu không gặp phải tình trạng thiếu vaccine do đa dạng nguồn cung cấp. Quốc gia này có lượng vaccine sẵn sàng được sử dụng nhiều hơn số lượng người dân đăng ký tiêm.

Theo Reuters, cho đến nay, Hungary đã tiêm ít nhất 9.249.943 liều vaccine Covid-19. Nếu tính mỗi người tiêm 2 liều, thì số liều đã tiêm tương đương khoảng 47,3% dân số cả nước. Tuy vậy, việc để sân vận động chật kín hàng chục nghìn người không đeo khẩu trang cũng khiến một số người lo ngại có thể xảy ra những sự cố không lường trước.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem