Eximbank: 6 tháng, lấy ý kiến bằng văn bản đến 85 lần

Quốc Hải Thứ tư, ngày 03/08/2016 12:15 PM (GMT+7)
Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ VI (2015-2020) Eximbank đã tổ chức 12 cuộc họp HĐQT và lấy ý kiến bằng văn bản đến… 85 lần.
Bình luận 0

Những lần họp và lấy ý kiến bằng văn bản này tổ chức cũng nhằm mục đích ổn định bộ máy, bầu lại HĐQT cũng như đề xuất các giải pháp “vực dậy” một ngân hàng đại chúng đang ngày càng khó khăn trong cuộc cạnh tranh liên ngân hàng ngày càng khốc liệt.

Nợ xấu từ 2% tăg vọt lên 5,3%

Nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 2.2016 của Eximbank mới thấy được tình trạng “bết bát” của ngân hàng này so với các ngân hàng khác.  

Đáng nói, nợ xấu của Eximbank sau 6 tháng lại khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khi “tăng vọt” từ chưa đến 2% (thời điểm cuối năm 2015) lên tới 5,3% tổng dư nợ (khoảng 4.285 tỷ đồng nợ xấu). Trong đó, đáng báo động là nhóm nợ xấu dưới chuẩn chiếm hơn 50% (2.415 tỷ đồng), tăng gấp 13 lần so với thời điểm đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn cũng chiếm rất cao, lên tới 1.073 tỷ đồng và nhóm nợ nghi ngờ là 797 tỷ đồng (tăng 34,8% so với đầu năm).

Theo các chuyên gia ngân hàng, tình hình căng thẳng “giành ghế” là nguyên nhân khiến Eximbank càng thêm khó khăn trong cạnh tranh với các ngân hàng khác.

Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2015, nhà băng này đã phải “vất vả” trì hoãn tổ chức 3 lần đại hội vì nhiều lý do, mãi đến cuối tháng 7.2015 mới tổ chức được nhưng vấn đề “nóng” là bầu nhân sự vẫn bất thành. Đến tháng 12.2015, Eximbank phải tổ chức đại hội bất thường và bầu ông Lê Minh Quốc lên “ghế nóng” nhưng đại hội cũng không suôn sẻ vì nhiều cổ đông “nghi ngờ có gian lận” khi lúc đầu ông Quốc chỉ có chưa tới 46% số phiếu ủng hộ nhưng sau khi được “bỏ phiếu lại” thì đạt tỷ lệ hơn 58% và trúng cử.

Sau đại hội, ông Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước (được cho là đại diện của Vietcombank) nhận vị trí Tổng giám đốc từ tháng 3.2016.

img

Náo loạn tại Đại hội Cổ đông Eximbank lần 2 vào tháng 5.2016

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 ngày 29.4 và ngày 24.5 đều bất thành, thậm chí trong ngày 24.5 còn xảy ra xung đột khi nhóm cổ đông chạy lên sân khấu “cướp diễn đàn” của chủ tọa. Lúc này, Eximbank buộc phải thông báo sẽ tổ chức đại hội bất thường vào ngày 2.8. Tuy nhiên, đại dội này cũng không thể diễn ra do Ngân hàng Nhà nước đề nghị tạm hoãn để “tìm giải pháp xử lý những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì do đại hội lần 2 cổ đông vẫn chưa thông qua các nội dung của đại hội nên chiếu theo quy định, Eximbank sẽ phải tổ chức thêm đại hội lần 3 trước khi muốn tổ chức đại hội bất thường.

“Miếng bánh” còn ngon?

Câu chuyện “tranh giành quyền lực” ở Eximbank không phải là mới, nó diễn ra ngót nghét hơn 1 năm nay nhưng điều khiến nhiều người quan tâm là tại sao Eximbank lại có “sức hút” như thế dù tình hình kinh doanh 3-4 năm nay không còn là “màu hồng”, thậm chí khá “xám xịt”? Thực tế, từ năm 2011 tới nay, tình hình kinh doanh của Eximbank đi xuống một cách thê thảm, thị phần giảm sút, uy tín bị ảnh hưởng, đầu tư trì trệ, trong khi đó thì “lãnh đạo cao tầng” lại đua nhau giành quyền lực ở HĐQT và BKS.

Cụ thể, năm 2011 tổng tài sản của ngân hàng này là 183.567 tỷ đồng thì đến năm 2015 giảm xuống 125.829 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 thì tiếp tục giảm còn 121.682 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng theo chiều hướng đi xuống. Từ nhóm ngân hàng “có máu mặt” trong câu lạc bộ “nghìn tỷ” những năm 2011 tụt xuống còn 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi  xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 817,47 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế chưa tới 80 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, từ 8.4.2016, cổ phiếu EIB của nhà băng này còn bị đưa vào diện cảnh báo.

Với một khoản lỗ cao (lỗ lũy kế gần 820 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015), nếu “không có gì bất thường” thì Eximbankcó thể sẽ phải mất vài năm nữa để bù lỗ và xử lý các tồn tại cũ từ HĐQT khóa trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì Eximbank vẫn là “miếng bánh ngọt” với nhiều “lợi thế” thế mà nhiều nhà băng mơ ước, đó là về mạng lưới, vốn điều lệ cao và đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì vậy, nếu Ngân hàng nhà nước không “can thiệp mạnh tay” thì chắc chắn những xung đột về lợi ích giữa các nhóm cổ đông sẽ không thể giải quyết…

Tính đến hết tháng 6, tín dụng của Eximbank âm 4,62%; dư nợ cho vay 80.842 tỷ đồng, giảm 4,62% so với đầu năm. Huy động vốn khách hàng tăng 2,33% đạt 100.728 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 3,3% xuống 121.682 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 2 là 372 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, Eximbank còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý 2. Tuy nhiên lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế lại giảm 88% so với cùng kỳ, xuống còn 79 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem