Eximbank ra thông báo ‘nóng’ trước thềm đại hội cổ đông

08/02/2022 17:57 GMT+7
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) vừa công bố thông tin bất thường về việc chấm dứt trước thời hạn đối với thỏa thuận liên minh chiến lược ký với cổ đông Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

SMBC quyết định "dứt tình" với Eximbank

Cụ thể, ngày 7/2/2022, Hội đồng quản trị Eximbank đã ban hành Nghị quyết số 51/2022/EIB/NQ-HĐQT. Nghị quyết thông qua việc chấm dứt trước thời hạn đối với thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007, theo đề nghị của SMBC tại văn ngày 5/1/2022.

Eximbank ra thông báo ‘nóng’ trước thềm đại hội cổ đông - Ảnh 1.

Nguồn: Eximbank

Thông tin SMBC chia tay Eximbank đã xuất hiện trong gần một năm qua, nhất là sau khi phía ngân hàng Nhật Bản chi gần 1,4 tỷ USD để mua 49% cổ phần FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam thuộc VPBank, đồng thời khóa room ngoại ở mức 15% vào tháng 5/2021.

Chia sẻ với PV Etime tại thời điểm đó, một số nhà phân tích cho biết, VPBank đang "dọn đường" của VPBank để đón cổ đông chiến lược nước ngoài theo như kế hoạch được lãnh đạo nhà băng này tiết lộ tại ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 4/2021. Theo dự đoán của các chuyên gia, SMBC có thể là đối tác chiến lược của VPBank.

"Khoản đầu tư vào EIB của SMBC là khoản đầu tư này được cho là không thành công đối với tổ chức này, và dường như SMBC đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư mới đối với các ngân hàng khác và VPBank là một trong những ứng viên trong lựa chọn đầu tư của SMBC", một chuyên gia từng chia sẻ.

Hiện, SMBC là cổ đông lớn nhất tại Eximbank với 15% cổ phần. Ngân hàng Nhật Bản này đầu tư 225 triệu USD vào Eximbank từ gần năm 2007. Đến nay, vốn hóa của Eximbank trên thị trường chứng khoán có giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD, như vậy khoản đầu tư của SMBC (15% cổ phần) ước khoảng 300 triệu USD.

Như vậy, động thái "chia tay" giữa Eximbank và SMBC, có thể được nhìn nhận là giai đoạn 'nước rút' để SMBC chuẩn bị sẵn sàng cho việc trở thành cổ đông chiến lược ở ngân hàng khác, mà cụ thể theo dự đoán của giới đầu tư là VPB. Bởi theo quy định trong ngành ngân hàng, SMBC sẽ phải thoái vốn khỏi Eximbank trước khi đầu tư vào một ngân hàng khác tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, Eximbank dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.

Eximbank ra thông báo ‘nóng’ trước thềm đại hội cổ đông - Ảnh 3.

Eximbank dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2/2022. (Ảnh: EIB)

Lợi nhuận đi lùi năm 2021

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, Eximbank báo lãi trước thuế năm 2021 giảm 10% so với năm trước. Trong đó, hoạt động chính của Eximbank chỉ tăng trưởng 6% so với năm trước, đem về hơn 3.524 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 70% và lãi từ hoạt động khác tăng 23%, trong khi lãi từ dịch vụ giảm 7% và lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm giảm nhẹ 1%.

Do trích hơn 990 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 48% so với cùng kỳ, kết thúc năm ngân hàng chỉ thu về hơn 1.205 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, dù đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận từ 2.150 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.300 tỷ đồng nhưng Eximbank cũng chỉ thực hiện được 93% kế hoạch đề ra.

Đến 31/12/2021, tổng tài sản của Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14%, lên 114.674 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 3% so với đầu năm, ghi nhận gần 137.374 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 2,52% xuống còn 1,96%.

Huyền Anh
Tags:
Cùng chuyên mục