Facebook phản đòn nước Úc: liệu ai thắng, ai thua?

20/02/2021 14:42 GMT+7
Vài ngày sau khi Facebook chặn người dùng Úc truy cập và chia sẻ tin tức từ tất cả các hãng thông tấn trong và ngoài nước, cả thế giới vẫn đang dõi theo những diễn biến ở xứ sở chuột túi.

Sau 2 thập kỷ tự do phát triển, cuối cùng những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Facebook và Google cũng bắt đầu bị chính phủ gây áp lực. Cuộc chiến thực tế đã nảy mầm từ lâu trước khi Úc tiên phong “tấn công trực diện”. Từ Mỹ đến Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Canada, hàng loạt chính phủ cáo buộc những đại gia công nghệ đang nắm trong tay quyền lực quá lớn nhờ vị thế độc quyền của nó.

Không có gì ngạc nhiên khi chỉ trong vòng 24 giờ bị Facebook “phản đòn”, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhanh chóng tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới vì một mục đích chung: kiềm chế quyền lực của những nền tảng kỹ thuật số này. 

Facebook phản đòn nước Úc: liệu ai thắng, ai thua? - Ảnh 1.

Facebook phản đòn nước Úc: liệu ai thắng, ai thua?

Trong một tuyên bố trước giới truyền thông hôm 19/2, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới sau vụ việc Facebook chặn người dùng Úc xem và chia sẻ các tin tức từ mọi hãng thông tấn trên mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh. Ông Morrison tuyên bố hành động của Facebook có ý nghĩa như một lời “hủy kết bạn” với Úc, và rằng nếu Facebook muốn làm ăn tại Úc, họ phải tuân theo luật chơi của Úc.

Có vài lý do khiến các nhà lập pháp quốc tế đứng về phía Úc.

Thứ nhất, mọi vấn đề liên quan đến quản lý các nền tảng kỹ thuật số đa quốc gia như Facebook và Google sẽ cần đến nỗ lực toàn cầu, do phạm vi hoạt động của các tập đoàn này rộng khắp toàn cầu và việc thu thập dữ liệu kiếm lợi nhuận của họ cũng mang tính chất toàn cầu. Do đó, động thái của Úc và phản ứng mạnh mẽ của Facebook là cơ hội tuyệt vời để các chính phủ phương Tây cùng giải quyết vấn đề độc quyền trong lĩnh vực kỹ thuật số mà họ lo ngại bấy lâu nay.

Tại nước Mỹ, News Media Alliance - một tổ chức đại diện cho 2.000 nhà xuất bản tin tức khắp đất nước -đang tranh cãi gay gắt nhằm thúc đẩy dự luật mới buộc các nền tảng kỹ thuật số thương lượng và chia sẻ lợi nhuận với các hãng thông tấn.

Ở Liên minh châu Âu, cuộc chiến giữa các hãng thông tấn với các gã khổng lồ công nghệ cũng nhen nhóm lâu nay. Tháng 9/2020, Pháp đã ra phán quyết buộc Google trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức nếu muốn sử dụng các tin tức này để hiện thị trên Google News. 

Một luật tương tự đang được Canada thảo luận để cho phép các hãng tin tức đàm phán với các đại gia công nghệ về vấn đề chia sẻ lợi nhuận.

Nhưng còn có một lý do quan trọng khác thúc đẩy Thủ tướng Úc Scott Morrison vội vàng liên lạc với các nhà lãnh đạo nước ngoài để tranh thủ sự ủng hộ: Canberra muốn trở thành đầu tàu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các gã khổng lồ công nghệ. Đây được xem là một cách để Úc lấy lại lòng tin từ các nhà lãnh đạo thế giới sau khi nước này bị chỉ trích nặng nề vì thay đổi chính sách khí hậu.

Chỉ số Hiệu quả về  Hành động chống lại Biến đổi Khí hậu năm 2020 của Mạng lưới Hành động Khí hậu đã xếp Úc là quốc gia tồi tệ nhất trong số 57 quốc gia tham gia trên thế giới về chính sách biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc “làm căng” với Facebook để thúc đẩy luật tiên phong buộc Facebook chia sẻ lợi nhuận với các hãng thông tấn là cơ hội cho Canberra xây dựng lại hình ảnh tốt đẹp với quốc tế.

Thêm vào đó, Facebook có thể làm căng với Úc nhưng khó có thể áp dụng chiến lược tương tự tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hãy nhìn vào doanh thu theo thị trường của Facebook để biết tại sao gã khổng lồ mạng xã hội Mỹ lại hành động “ngạo mạn” như vậy tại xứ sở chuột túi. Năm 2019, Facebook kiếm được 0,7 tỷ USD doanh thu từ quảng cáo trực tuyến ở Úc. Trong khi tại Mỹ năm 2020, doanh thu Facebook kiếm được lên tới 86 tỷ USD. Tức là nếu các quốc gia trên thế giới cùng gây sức ép, Facebook có khả năng lớn buộc phải chấp nhận thỏa thuận “chia tiền” với các nhà xuất bản tin tức.


(Nhận định của ông Benedetta Brevini - nhà báo, nhà hoạt động truyền thông đồng thời là phó giáo sư kinh tế chính trị truyền thông tại Đại học Sydney, Úc)



NTTD
Cùng chuyên mục