Anh là Thái Bá Thủy, SN 1969, ở xóm 10, xã Liên Thành, từng bị người dân sở tại chế giễu là “gà cồ”...
Chàng trai dũng cảm
Học xong THPT, Thuỷ ở nhà cày ruộng. Nhưng ruộng thì ít, chỉ vào mùa là bận rộn, thời gian còn lại anh đi phụ hồ, bốc vác, đào đất… Không thể đi làm thuê mãi được, nhưng làm giàu bằng cách nào? Những khi rỗi việc, anh tản bộ trên bờ đê suy nghĩ mông lung.
|
Trang trại của anh Thủy thường xuyên có 1.500 con vịt đẻ. |
"Một buổi chiều gần tối, đột nhiên những tia nắng quái màu da cam bắn xuống đầm trông thật ma quái. Tui định bỏ chạy vì đầm ni nổi tiếng ma thiêng và đã có nhiều người chết đuối. Nhưng khoảnh khắc đó trong tui cũng loé lên: Mình sẽ xin xã đấu thầu đầm hoang này để nuôi cá"- anh Thuỷ kể.
Suy nghĩ một đêm, sáng ra anh cầm đơn lên xã xin được thầu đầm để làm trang trại. Ông chủ tịch xã nhìn anh từ đầu đến chân rồi cầm bút ký cái roẹt. Ông vỗ vai anh: "Dũng cảm lắm. Bọn mình sẽ ủng hộ".
Song, người nhà chẳng ai ủng hộ anh, dân làng cũng vậy. Họ bảo anh là thằng gà cồ điên rồ. Đầm đó năn lác ken dày phát cả năm không hết, bùn có nơi ngập cả cây tre. Mùa mưa nước ngập trắng băng. Mặc, chí đã quyết, anh đặt thợ rèn làm con dao phát dài và những dụng cụ cần thiết rồi vác tre ra đóng cọc dựng lều bắt đầu cho cuộc trường kỳ chinh phục đầm.
"Tui lội xuống thì bị sục chìm nghỉm, bò được lên bờ thì thấy đỉa mén, đỉa kềnh bám đầy người! Tui thuê 2 máy bơm, bơm liên tục 10 ngày mới cạn nước. Ban đầu bạn bè, người nhà đến giúp, nhưng vài bữa họ bỏ về vì đỉa và rắn đẹn dày đặc; sình lầy khó lường, dễ bị bùn nuốt người như chơi; lá lác sắc kinh khủng, đụng vô là đứt tay. Tui thuê chiếc xuồng bằng tôn ngồi lên đẩy đi phát năn, lác" - anh Thủy nhớ lại.
Khi đã phát cơ bản năn, lác, anh quy hoạch thành nhiều ô rồi lấy đất trên gò cao để đắp xuống. "Tui ngày làm, đêm làm. Ở đầm này, rắn đẹn nhiều kinh khủng, có con hơn 1kg. Có đêm tui đang ngủ thấy cái gì động đậy và nằng nặng trên người mình, mở mắt ra thấy một chú mang bành bằng cổ chân đang trườn qua người. Khi giải lao, đêm tui lấy cây sáo trúc ra thổi. Chính nhờ tiếng sáo ấy mà một cô gái nết na xinh đẹp đã đến với tui rồi nên vợ nên chồng cùng tui chinh phục đầm năn”- anh Thủy kể. Ròng rã hơn 2 năm trời chinh phục, trang trại 2,5ha của anh cũng ra hình hài.
Ông chủ trang trại
Trang trại của anh Thuỷ như đảo giữa cánh đồng lúa. Khi chúng tôi đến thăm, ông chủ Thái Bá Thuỷ đang lấy bùn trồng cây. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi, anh kể: "Hơn 2 năm ròng cải tạo, hình hài trang trại cơ bản hình thành, nhưng cải tạo nó mất nhiều năm lắm. Năn, lác không có cách chi mà diệt được. Cuối cùng tui sáng kiến thả trắm cỏ thật nhiều, năn, lác lên mầm là cá ăn hết.
Đầm năn hoang vắng như vậy mà anh Thủy chinh phục được quả là một kỳ tích. Trang trại của anh Thủy là mô hình kinh tế điển hình của huyện Yên Thành.
Ông Đặng Ngọc Thư - Trạm phó Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện Yên ThànhThanh toán được giặc năn, lác, đến giặc lũ. Đợt đầu, tui vay vốn thả 1 tấn cá giống. Khi mỗi con cỡ gần vài cân thì mưa lớn mấy ngày liền, nước đổ về ngập băng cả. Bờ đắp cũng trôi luôn. Vợ chồng tui đứng trên bờ đê nhìn thành quả của mình bỗng chốc chìm nghỉm, ôm nhau khóc không thành tiếng".
Xong đợt lụt đó, anh vay tiền, thuê máy xúc, máy múc làm lại ao, đào một con mương dài để thoát nước phòng khi mưa lũ; xây chuồng trại để nuôi lợn, nuôi vịt. Anh tâm sự: "Cú thất bại đó nhiều người khích tôi. Đã vậy, tui mần lớn luôn. Tui xây chuồng trại rồi đi học kinh nghiệm nuôi vịt đẻ, nuôi lợn. Năm đầu, tui nuôi 500 con vịt đẻ, vài trăm con gà, vài chục con lợn, thả hơn tấn cá giống. Vụ đó trúng lớn, tui trả được hết nợ".
Giờ đây, trang trại của anh thường xuyên có 1.500 con vịt đẻ, mỗi đêm cho trên dưới 1.000 quả trứng; 100 con lợn; 200 con gà và 3 ao cá mỗi năm thu 7-8 tấn cá... Anh còn hướng dẫn, cho một số hộ vay vốn không lấy lãi để làm trang trại. Riêng trang trại của anh đã tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/ tháng.
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.