Ga Hà Nội sắp thành trung tâm thương mại kết hợp khai thác tàu

Thế Anh Thứ năm, ngày 30/06/2022 11:51 AM (GMT+7)
Trong dự thảo báo cáo tổng kết Luật Đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất hàng loạt giải pháp thu hút nguồn vốn xã hội hoá đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp nhà ga đường sắt.
Bình luận 0

Sẽ có trung tâm thương mại tại ga đường sắt

Nhằm phát triển hạ tầng đường sắt, thu hút khách đi tàu và đem lại dịch vụ chất lượng để phục vụ hành khách, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất hàng loạt giải pháp thu hút vốn xã hội hoá đầu tư hạ tầng đường sắt.

Theo đó, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất lập, phê duyệt quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tại các ga có lợi thế kinh doanh thương mại. Qua đó, sẽ kêu gọi nhà đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ trung tâm thương mại, văn phòng kết hợp nhà ga đường sắt mà luật cho phép.

Ga Hà Nội sắp thành trung tâm thương mại kết hợp khai thác tàu - Ảnh 1.

Ga Hà Nội là trung tâm kết nối hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: Thế Anh

Những nhà ga được Cục Đường sắt Việt Nam nhắm tới gồm có ga Lào Cai, Đồng Đăng, Tổ hợp ga Hà Nội (là ga đầu mối các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3).

Ngoài ra, còn có ga Ngọc Hồi (khu ga đầu mối lớn của Hà Nội kết nối giữa đường sắt quốc gia gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia vành đai phía Đông và đường sắt đô thị), ga Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang...

Để có nguồn kinh phí đầu tư cho những hạng mục này, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, sẽ cần bố trí kinh phí để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành ở một số tuyến, ga đường sắt phù hợp với kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng thời, có kinh phí để quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch; Địa phương tổ chức xây dựng quy hoạch và triển khai các dự án đồng bộ; Kêu gọi các nhà đầu tư có kế hoạch tham gia đầu tư theo nhu cầu.

Cục Đường sắt cũng đề xuất thí điểm tách tiểu dự án giải phòng mặt bằng (GPMB) của dự án thành dự án độc lập để giao chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. Chỉ khi GPMB xong mới triển khai đầu tư xây dựng.

Ban đầu, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất thí điểm đối với dự án tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; Dự án tuyến đường sắt vành đại phía Đông, Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo); Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (ưu tiên giai đoạn 1 đoạn Biên Hòa - cảng Thị Vải, Cái Mép).

Cục Đường sắt Việt Nam cũng đề xuất tiếp tục phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương tham gia đầu tư, đền bù GPMB bằng nguồn kinh phí của địa phương đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị dành quỹ đất địa phương để kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... với mạng lưới đường sắt quốc gia, cũng như tham gia hỗ trợ đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn như khu vực: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai...

Các quy hoạch liên quan cần dành quỹ đất thích đáng tại khu vực xung quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, các khu chức năng (mô hình phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông - TOD (Transit Oriented Development), tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Ga Hà Nội sắp thành trung tâm thương mại kết hợp khai thác tàu - Ảnh 2.

Hành khách làm thủ tục đi tàu tại ga Hà Nội. Ảnh: Thế Anh

 

Có nhà đầu tư nghiên cứu xây trung tâm thương mại tại ga Hà Nội

Qua nghiên cứu sơ bộ ban đầu, tại các ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt quốc gia xây dựng mới qua khu đô thị theo quy hoạch, ga đầu mối có thể nghiên cứu áp dụng theo mô hình này. Cục Đường sắt Việt Nam tiết lộ, đã có các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu đầu tư khu vực ga Hà Nội.

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức đền bù, GPMB khu tổ hợp ga Ngọc Hồi phục vụ dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1.

Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.

Đồng thời, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Về vận tải, mục tiêu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%).

Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%).

Về kết cấu hạ tầng mục tiêu nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem