dd/mm/yyyy

Gà, vịt ăn dần... "sổ đỏ"

Sau khi bị thất bại vì dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi tại các tỉnh, thành lại chuyển hướng sang nuôi gà, vịt tưởng sẽ vớt vát lại chút vốn đã thua lỗ nhưng nào ngờ giá gia cầm liên tục rớt thê thảm khiến người chăn nuôi lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Gà, vịt ăn dần... "sổ đỏ" - Ảnh 1.

Bán vịt với giá thấp nhiều chủ trại chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

Liên tục thất bại

Là một trong những hộ nuôi nhiều vịt bầu, super khá nhiều ở khu vực Khoái Châu (Hưng Yên), mới đây, gia đình bà Phạm Thị Thắm đã xuất phải xuất bán đàn vịt hơn 7.000 con với giá 24.000 đồng/kg vì hai vợ chồng bà con không còn đủ sức để cầm cự thêm.

"Tính ra, cả lứa vịt, vợ chồng tôi chịu lỗ hàng trăm triệu đồng. Bán vịt xong mà lòng đau xót quá", bà Thắm chia sẻ.

Trước khi thua lỗ với nghề chăn nuôi vịt, gia đình bà Thắm đã từng thất bại trong chăn nuôi lợn. Đến giờ cả số tiền nợ cũ cộng với khoản nợ mới phát sinh, vợ chồng bà Thắm đang phải gánh lên đến hàng tỷ đồng.

"Nhà, đất vườn mang gán cho người ta mà vẫn không đủ trả nợ, chúng tôi thực sự trắng tay, cùng đường rồi", bà Thắm ngậm ngùi.

Tại các vùng ở khu vực miền Trung, miền Nam, giá gia cầm cũng đang trong tình cảnh khá thê thảm. Tâm sự với chúng tôi, bà con chăn nuôi gà, vịt tại một số vùng của Triệu Sơn (Thanh Hóa) và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, không chỉ giá gia cầm mất giá mà việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng rất chậm.

"Chưa năm nào giá gia cầm lại rẻ và khó bán như năm nay. Hiện, gà đa (giống gà Dabaco), bà con nuôi đến hơn 100 ngày tuổi mà lái trả có 40.000 đồng với 45.000 đồng/kg, các loại gà khác chỉ đạt mức giá từ 50.000 đồng trên 60.000 đồng/kg, thậm chí giá gà thịt công nghiệp còn rẻ hơn cả rau khoảng 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg...", ông Nguyễn Trọng Nam, một chủ trại ở huyện Triệu Sơn chia sẻ.

Cùng trong tình cảnh tương tự, nhiều chủ trại gia cầm tại các tỉnh miền Bắc và miền Nam đang tỏ ra rất lo lắng và bức xúc trước tình hình giá cả mặt hàng gà, vịt quá thấp, thậm chí có trái lái còn chê hàng không mua, càng làm cho bà con chịu thua lỗ nặng.

"Vịt nuôi đủ tuổi bán không xuất đi được vẫn phải giữ lại cho ăn mà giá cám lại tăng cao hơn khiến chúng tôi phải chịu thiệt hại thêm cả triệu đồng tiền thức ăn mỗi ngày, đau xót quá", bà Phạm Thị Tĩnh ở Nam Sách (Hải Dương) nói.

Bà Tĩnh cho biết thêm, hiện, gia đình bà Tĩnh đang nuôi trên 2.000 vịt super, đến giờ đàn vật nuôi đã quá 60 tuổi nhưng nhiều lái đến ép giá thấp dưới 25.000 đồng/kg và còn chê hàng, không chịu bắt xô (bắt cả đàn) làm cho vợ chồng bà rất bức xúc.

"Lúc giá vịt tăng cao, chúng tôi không gọi các lái cũng tự tìm đến tranh nhau mua, đến giờ giá hàng giảm, chả có lái nào đến, có người gọi điện thoại đến cùng chỉ hỏi thăm và chê hàng, thê thảm quá", bà Tĩnh ngậm ngùi.

Nói về vấn đề nay, ông Lê Văn Quyết - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gà lông trắng đã tăng trở lại nhưng người nuôi chỉ hòa vốn hoặc lời ít. Đặc biệt, họ vẫn còn dư âm lỗ nặng từ đợt giảm giá lần trước. Do đó, nếu giá tăng và duy trì ở mức 26.000-28.000 đồng, người nuôi mới mong có lời.

Theo ông Quyết, nhu cầu tiêu thụ thịt gà nhích lên nhưng chưa thể phục hồi vì dịch virus corona (COVID-19) vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, sinh viên còn nghỉ; du lịch, dịch vụ ăn uống, thương mại đều gặp khó khăn.

"Hiện, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn vì sợ lỗ lặng, còn trang trại thì cũng chỉ đang nuôi cầm chừng để chờ theo dõi diễn biến dịch bệnh", ông Quyết khẳng định.

Gà, vịt ăn dần... "sổ đỏ" - Ảnh 2.

Sau khi thua lỗ nặng vì dịch tả lợn châu Phi, nhiều nông dân lại tiếp tục gặp hạn vì gà, vịt mất giá.

Bỏ nghề đi làm thuê

Do liên tục phải chịu thất bại trong chăn nuôi, nhiều chủ trang trại đã phải từ bỏ nghề đi tha hương làm thuê kiếm sống, nuôi gia đình và để tiếp tục trả nợ.

Sau nhiều ngày giữ nuôi cầm cự đàn vịt chờ giá, cuối tháng 2 vừa rồi ông Phạm Nho Thanh ở Thạch Thành (Thanh Hóa) phải chấp nhận xuất bán đàn vịt hơn 7.000 con cho lái buôn với giá 24.000 đồng/kg. Tính ra lứa vịt này gia đình ông chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

"Chúng tôi kiệt sức nên đành phải bán tống, bán tháo ngày nào tốt ngày đó" ông Thanh nói.

Vừa bán xong đàn vịt, tiền cầm chưa nóng tay các chủ nợ, đại lý cám ở địa phương đã liên tục gọi thúc nợ vợ chồng ông Thanh. Dù vậy, số tiền ít ỏi mà gia đình vừa có được cũng không thấm vào đâu so với hàng tỷ đồng công nợ mà vợ chồng đang phải gánh chịu.

Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và tiếp tục trả nợ, vào những ngày này, hai vợ chồng ông phải đi làm phụ xây cho các chủ thầu nhỏ ở xã. "Bao năm chăn nuôi giờ phải bỏ nghề cũng đau xót lắm nhưng đành chấp nhận thôi, càng nuôi càng nợ nhiều, chúng tôi cùng đường rồi", ông Thanh ngậm ngùi bảo.



Hải Đăng