Gái đảm 9X kiếm bộn tiền nhờ nuôi con ăn cỏ, uống nước lã

Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 06/01/2019 06:30 AM (GMT+7)
Nhờ biết phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có ở địa phương, chị Lò Thị Xoan, sinh năm 1990, bản Nà Sành (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang sở hữu trang trại nuôi gần 100 con dê núi thịt. Từ nuôi con đặc sản chỉ ăn cỏ, uống nước lã này mà mỗi năm, chị Xoan thu lời trên 150 triệu đồng.
Bình luận 0

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vượt cung đường ngoằn ngoèo trên chiếc “ngựa sắt” của một người bạn đồng nghiệp, chúng tôi có mặt tại xã Bó Mười, huyện Thuận Châu để tìm hiểu về những gương nông dân điển hình tiên tiến, vượt khó thoát nghèo trong năm 2018 từ sản xuất nông nghiệp.

Nhận được sự đón tiếp chân tình và giới thiệu của bác Lò Văn Thương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Mười, chúng tôi tìm đến nhà chị Xoan. Đang cặm cụi lấy cỏ cho đàn dê ăn, nhìn thấy người lạ đến chơi chị Xoan tay bắt mặt mừng, không khác gì những người thân đi xa lâu ngày mới gặp.

img

Nuôi dê thương phẩm, chị Xoan có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống

Rót ly nước trong veo, mát lạnh lấy từ mó nước chảy giữa đại ngàn Tây Bắc mời chúng tôi, chị Xoan kể: Quanh năm, bà con ở đây chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với cây ngô, cây sắn nên cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng không nguôi. Nhà tôi cũng là một trong số đó.

“Nhìn thấy đất đai rộng lớn mà vẫn đói nghèo, tôi trăn trở mãi nhưng vẫn chưa tìm được cách để giải bài toán này. Tôi quan niệm muốn giúp bà con thay đổi được nếp nghĩ, cách làm để tiến tới làm giàu, trước tiên mình phải làm thành công để tạo được niềm tin cho họ” – chị Xoan tâm sự.

Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, vất vả, nhận thấy mô hình nuôi dê núi cho hiệu quả kinh tế cao, chị Xoan cùng chồng tìm đến một số trang trại ở trong huyện và một số huyện lân cận khác để tham quan, học hỏi kỹ thuật nuôi dê. 

img

Chị Xoan, một trong những hội viên nông dân điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi của xã Bó Mười 

Sau khi học hỏi được kinh nghiệm, hai vợ chồng chị Xoan phá bỏ nương ngô chuyển sang trồng cỏ voi để nuôi dê. Để có vốn đầu tư chuồng trại, mua con giống, chị Xoan đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu. Có được đồng vốn trong tay cùng với số vốn vay mượn được từ bạn bè, người thân, đầu năm 2018, chị Xoan mua 80 dê đực con khoảng 10 kg đổ lại về nuôi.

Được chăm sóc đến nơi, đến chốn, 5 tháng sau, đàn dê nhà chị Xoan con nào con nấy cũng béo mập, khỏe mạnh. Xuất bán lứa đầu tiên, với trọng lượng bình quân từ 25 – 30 kg/con, giá bán dao động từ 130.000 – 200.000 đồng/kg, chị Xoan thu gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chị Xoan lời 150 triệu đồng. Tiếp nối thành công, sau lứa đầu tiên, chị Xoan tiếp tục mua gần 100 con về nuôi.

img

"Thịt dê núi cho chất lượng thơm ngon nên được nhiều khách hàng ưa chuộng, vào giáp Tết, giá dê đực dao động từ 200 nghìn đồng trở lên" - chị Xoan biết thêm.

Chị Xoan cho biết, dê núi chỉ ăn cỏ tự nhiên, chất lượng thịt ngon và chế biến được nhiều món ăn nên đầu ra rất thuận lợi, ngoài xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận khác, thương lái thường đến tận chuồng thu mua.

Hệ thống chuồng dê của chị Xoan được chia thành 3 chuồng: Chuồng 1 nuôi lứa dê khoảng 10 kg; chuồng 2 nuôi lứa từ 15 – 20 kg; chuồng 3 nuôi lứa chuẩn bị xuất bán, có trọng lượng từ 25 – 30 kg.

Theo chị Xoan, ở vùng núi đất đai rộng lớn, thức ăn dồi dào, nguồn nước sẵn có mà dê lại là loại động vật ăn tạp nên rất dễ chăm sóc, chỉ cần chăm chỉ cắt cỏ đủ cho dê ăn no là được. Để đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu tiên phải chọn được con giống tốt, mua ở những địa chỉ uy tín. Tiếp đó, cần chú trọng đến khâu phòng, chống dịch bệnh định kỳ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Ngoài thức ăn lá cây từ rừng và cỏ voi, để đàn dê ngon miệng và có sức đề kháng cao, chị Xoan bổ sung thêm cám ngô, muối để cung cấp đầy đủ các khoáng vi lượng cần thiết.

img

Đàn dê mập mạp, khỏe mạnh của chị Xoan đang chuẩn bị xuất bán

Nhìn trang trại nuôi dê của chị Xoan, ai ai cũng trầm trồ thán phục về nghị lực làm giàu của cô gái người dân tộc Thái này. Từng là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của bản Sành, nhưng với đức tính cần cù chịu khó cộng với sức trẻ, chị Xoan đã phất lên thành hộ khá giả.

Từ xây dựng thành công trang trại nuôi dê, nhiều hộ dân ở bản Sành, xã Bó Mười đã thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp và hướng tới cách làm như chị Xoan.

Cái tính siêng năng của chị Xoan vẫn không chịu dừng lại ở 100 con dê, để nâng cao thu nhập, chị Xoan còn trồng 5.000 m2 cà phê, 30 cây xoài; nuôi 6 con bò và hơn 100 con gà, ngan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem