Gần 70.000 ca nhiễm virus corona: Vì sao Mỹ không tin số liệu Bắc Kinh công bố?

16/02/2020 11:55 GMT+7
Trong nỗ lực kiểm soát dịch covid-19 đang bùng phát tại Trung Quốc, Nhà Trắng dường như ít tin tưởng vào các thông tin do chính phủ Bắc Kinh công bố, liên quan đến các trường hợp nhiễm virus corona cho đến thời điểm này.
Gần 70.000 ca nhiễm virus corona: Vì sao Mỹ không tin số liệu Bắc Kinh công bố? - Ảnh 1.

Theo công bố của Bắc Kinh, số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc tính đến sáng 16/2 đã lên tới 68.500 người

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng hôm 14/2 tiết lộ với tờ CNBC rằng Nhà Trắng “không đặt sự tin tưởng cao” ở các thông tin mà chính phủ Trung Quốc công bố liên quan đến đại dịch virus corona. Không riêng giới quan chức, các chuyên gia quan sát cũng nhận định những rủi ro từ dịch SARS bùng phát năm 2003 và sự khác biệt trong các báo cáo kinh tế của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ tin rằng những báo cáo từ Trung Quốc là khó mà tin được.

Tính đến sáng 16/2, tại Trung Quốc, số ca nhiễm virus corona được Ủy ban Y tế Quốc gia báo cáo đã lên tới 68.500 trong khi số ca tử vong là 1.665. Qua đó, nâng tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới lên 69.195 còn số ca tử vong tăng lên 1.669. Giới chức y tế thế giới, dẫn đầu là các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá cao những phản ứng của Trung Quốc với dịch covid-19 này, cho rằng đó là một sự cải thiện rõ rệt so với hồi dịch SARS 2003. “Trung Quốc đã minh bạch hơn” - một quan chức của WHO chia sẻ với giới truyền thông trong tuần này. 

Nhưng những lời ngợi khen từ WHO không khiến giới chức Mỹ thôi chỉ trích vấn đề kiểm soát dịch và minh bạch thông tin của Trung Quốc. Hôm 13/2 (giờ Mỹ), cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng ông khá thất vọng với sự “thiếu minh bạch” từ Bắc Kinh. Vì đâu phía Mỹ khó đặt niềm tin vào số liệu do chính phủ Bắc Kinh công bố?

Tấm gương từ dịch SARS: Bắc Kinh cố gắng che giấu đại dịch

Theo Yanzhong Huang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall cho biết, sự hoài nghi đối với Trung Quốc bắt đầu từ cuộc khủng hoảng đại dịch SARS 2003 và cách nước này xử lý đại dịch.

Thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc cố gắng che đậy sự bùng phát của đại dịch SARS, khiến đại dịch lan rộng đến hơn 20 quốc gia trên thế giới và buộc WHO tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp với sức khỏe toàn cầu. 

“Sự quản lý kém và xử lý chậm trễ từ chính phủ bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra sự lây lan nhanh chóng của đại dịch” - ông Yanzhong Huang cho hay. Trường hợp sớm nhất của dịch SARS được cho là đã xuất hiện vào tháng 11/2002. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng được cảnh báo về căn bệnh vào tháng 12/2002 nhưng phải mất thêm vài tháng nữa, tức đến 11/2/2003, chính quyền Bắc Kinh mới lên tiếng xác nhận căn bệnh này. Khi đó, toàn tỉnh Quảng Đông đã có hơn 300 ca nhiễm bệnh. 

Bắc Kinh sau đó đã nỗ lực thực hiện các bước ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh bao gồm cả phối hợp với WHO và các chính phủ khác để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng sự thất bại trong việc phát hiện và công bố dịch sớm đã kéo theo nỗi sợ hãi lan rộng trong cộng đồng cùng hàng loạt hệ quả khác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại...

“Tấm gương” đại dịch SARS là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Mỹ khó mà tin tưởng chính phủ Bắc Kinh trong lần xử lý đại dịch virus corona này.

Dữ liệu kinh tế thiếu minh bạch

Gần 70.000 ca nhiễm virus corona: Vì sao Mỹ không tin số liệu Bắc Kinh công bố? - Ảnh 3.

Các dữ liệu kinh tế Trung Quốc lâu nay luôn khiến giới chuyên gia hoài nghi

Khi nói đến các dữ liệu kinh tế nội bộ, ngay cả các quan chức Trung Quốc cũng khó mà tin vào những báo cáo cuối cùng. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2007 đã gọi các dữ liệu GDP của các tỉnh thành nước này là “số liệu nhân tạo”, tức không phản ánh đúng đắn và minh bạch thực trạng kinh tế. 

Thomas Rawski, giáo sư kinh tế và lịch sử tại Đại học Pittsburgh, nơi nghiên cứu nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc nhận định rằng dữ liệu kinh tế được thống kê bởi các tỉnh của Trung Quốc là “thiếu minh bạch”. Nguyên nhân là do tổng mức GDP các tỉnh của Trung Quốc cộng lại lâu nay vẫn lớn hơn GDP mà cơ quan thống kê công bố, làm dấy lên hoài nghi các quan chức địa phương có thể đã thổi phồng số liệu vì “bệnh thành tích”. 

Một ví dụ được ông Rawski chỉ ra là trước cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào khoảng năm 1997, theo nghiên cứu của ông, dữ liệu về sản lượng sản xuất mà Chính phủ Bắc Kinh công bố là không phù hợp với mức tiêu thụ điện của nước này. 

Chính cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 9/2019 cũng tuyên bố sẽ thay đổi cách tính GDP theo đúng chuẩn mực quốc tế nhằm gia tăng tính chính xác của các số liệu.

“Ở tính minh bạch các số liệu liên quan đến dịch virus corona, nó hoàn toàn tương tự các vấn đề minh bạch GDP” - ông Thomas Rawski nhận định. “Có những động lực khiến những người thu thập và báo cáo dữ liệu ở các cấp tại Trung Quốc “bóp méo số liệu”.”

Thùy Dung
Cùng chuyên mục