Tăng gia sản xuất lúc nông nhàn
Tại Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Thanh Nghìn (xã Hồng Phong), chị Đặng Thị Hồng Gấm (38 tuổi, thôn Bồ Dương) với đôi bàn tay thoăn thoắt đang khéo léo buộc những chiếc nơ xinh xắn vào từng chiếc phong bì để chuẩn bị kịp thời cho lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Chị Gấm cho biết, vì gia cảnh nghèo khó, chồng phải đi làm ăn xa, một mình chị cáng đáng 14 sào ruộng và chăm lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Để kiếm thêm tiền, lúc nông nhàn, chị đi học và làm thêm nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Trung bình thu nhập mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng, góp phần giúp chị bớt được phần nào gánh nặng cuộc sống mà vẫn gần gũi, chăm lo được cho con cái.
Sau đào tạo, học viên được làm việc tại Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Thanh Nghìn và có thu nhập ổn định. Ảnh: M.L
Còn chị Tăng Thị Chuyên (35 tuổi, làng Quang Rực) cũng làm phụ việc tại cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ đến nay đã được 7 năm. Chị Chuyên bày tỏ: “Mới đầu đi học việc cảm thấy rất khó khăn vì đôi bàn tay chỉ quen việc đồng ruộng, quen mò cua bắt ốc, tiền công lúc đó chỉ được 5.000 - 10.000 đồng/ngày. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ cao. Khi đã quen việc, thu nhập của chúng tôi cải thiện hơn, từ 30.000 – 40.000 đồng/ngày, đủ để trang trải sinh hoạt cho cuộc sống gia đình”.
Theo chị Ngô Thị Ngọc Bích – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Phong, Hội phụ nữ xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 và Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương tổ chức mở các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho đối tượng là hội viên nghèo, khuyết tật ngay trên quê hương. Mỗi năm, tại xã mở từ 2-4 lớp dạy nghề, trong đó có việc sản xuất thủ công mỹ nghệ, đảm bảo cho học viên sau khi học xong được bố trí về Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Thanh Nghìn làm việc. Nhờ có công việc ngay tại chỗ nên chị em vừa kiếm được tiền mà vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình.
Giúp hội viên khó khăn hòa nhập
Bà Ngô Thị Thanh Nghìn – Giám đốc Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Thanh Nghìn cho biết: “Được thành lập từ năm 2008, đến nay cơ sở đã hợp tác với Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ Vân Anh (TP. Hải Dương) cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm”.
Hiện cơ sở có hơn 100 công nhân tham gia làm thêm về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với mức lương được tính tùy theo từng tay nghề. Lương của thành viên cao nhất được khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, người thấp nhất cũng được 500.000 - 700.000 đồng/người/tháng.
“Đặc biệt, đối với những hội viên khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, trước đây họ rất ngại va chạm với cộng đồng. Khi được kêu gọi tham gia cùng sản xuất, người ta cũng xấu hổ không muốn đến, cơ sở đã từng bước vận động và tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập, giúp họ có cuộc sống vui tươi, tự tin hòa nhập với cộng đồng hơn” – bà Nghìn cho biết.
Đơn cử như anh Tăng Văn Cừ (thôn Bồ Dương) bị khuyết tật ở chân nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. “Cơ sở đã tạo điều kiện để tôi được nhận hàng về nhà làm. Sau mỗi tháng, được nhận hơn 1 triệu đồng tiền lương do chính công sức mình làm ra tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nhờ có lớp học nghề mà bản thân tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn, được làm việc, hòa nhập cùng mọi người, gắn kết hơn nữa tình làng nghĩa xóm” - anh Cừ tâm sự.
Học viên tham gia học nghề đều được Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Thanh Nghìn hỗ trợ bữa cơm trưa trong quá trình đào tạo. Riêng với đối tượng nghèo, khuyết tật được hỗ trợ học phí 100%, học viên chỉ việc bỏ công đi học.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.