Gánh nặng chi phí, doanh nghiệp "3 tại chỗ" cần được hỗ trợ tài chính

11/08/2021 08:18 GMT+7
Kết quả khảo sát 5 doanh nghiệp, tại TPHCM tổ chức “3 tại chỗ” của tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế mới đây cho thấy, tổng chi phí bình quân tăng thêm ước khoảng 311 nghìn đồng/ngày, tương ứng 9,33 triệu đồng/tháng/lao động. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chi phí này đang là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp.

Sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp "đau đầu" vì chi phí phát sinh

Nhất quyết không dừng hoạt động, giữ cho nhà máy luôn sáng đèn, sau 1 tháng triển khai "3 tại chỗ", ông Nguyễn Công Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty Daikan Việt Nam khẳng định vẫn giữ được "trận địa".

Thế nhưng, điều ông Đoàn lo lắng chính là các loại chi phí phát sinh từ phương án "3 tại chỗ" tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp. 

Ông Đoàn ước tính, nếu cộng tất cả chi phí vật tư, chi phí phụ cấp sinh hoạt, chi phí xét nghiệm PCR cho người lao động thì dự kiến tháng này phải phát sinh thêm gần 1,3 tỷ đồng. Thậm chí, tính toán kỹ hơn, doanh nghiệp này khá lo ngại vì không thể kéo dài tình trạng này quá 3 tháng.

"Chúng tôi đã họp Hội đồng quản trị và thông báo đề xuất không chuyển lợi nhuận về nước ngoài, để dự trù khoản đó cho những chi phí phát sinh như thế này. Thế nhưng, doanh nghiệp cũng chỉ có thể thì cầm cự được khoảng 3 - 4 tháng, còn lâu hơn thì chắc chắn sẽ là vấn đề khó khăn lớn đối với doanh nghiệp", ông Đoàn nói.

Gánh nặng chi phí, doanh nghiệp "3 tại chỗ” cần được hỗ trợ tài chính? - Ảnh 1.

Sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp "đau đầu" vì chi phí phát sinh. (Ảnh: FB Daikin VN)

Tương tự, ông Phạm Ngọc Phước – Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture chia sẻ: "Chúng tôi làm "3 tại chỗ" không phải vì lợi ích của doanh nghiệp vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này vì có duy trì sản xuất thì công nhân mới có thu nhập".

Ông Phước cho biết, để triển khai phương án sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp này phải trải qua 4 "ải" lớn: Thứ nhất là sự đồng thuận của người lao động; thứ hai là test Covid-19 đầu vào, nếu có F0 từ đầu coi như "nghỉ cuộc chơi"; thứ ba là lo chỗ ăn uống, ngủ nghỉ cho người lao động; thứ tư là nguyên vật liệu đủ cho sản xuất.

Kết quả khảo sát 5 doanh nghiệp, tại TP.HCM - nơi có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước, tổ chức "3 tại chỗ" của tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế mới đây cũng cho thấy, tổng chi phí bình quân tăng thêm ước khoảng 311 nghìn đồng/ngày, tương ứng 9,33 triệu đồng/tháng/lao động.

Trong đó, trợ cấp tiền lương tăng thêm chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 3,57 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là chi phí ăn uống với mức tăng thêm gần 2,5 triệu đồng/tháng.

Gánh nặng chi phí, doanh nghiệp "3 tại chỗ” cần được hỗ trợ tài chính? - Ảnh 2.

Số liệu khảo sát 5 DN tổ chức 3 tại chỗ (chi phí tăng thêm b/q ngày). (Nguồn: Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế)

Cần gói hỗ trợ 500 tỷ dành cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" tại TP.HCM

Theo các chuyên gia của tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, vì gánh nặng tài chính và không đủ nguồn lực để tổ chức về cơ sở vật chất, nên có một tỷ lệ không cao doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" và một số doanh nghiệp thực hiện nhưng không đảm bảo đúng các điều kiện, có lỗ hổng nên vẫn bị lây lan.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp tổ chức sản xuất mà không theo "3 tại chỗ" thì tình hình lây nhiễm còn nặng hơn so với thực tiễn hiện nay, đặc biệt là tại TP.HCM.

"Việc số ca nhiễm Covid chưa giảm được mạnh ở TP.HCM không có nghĩa là chính sách "3 tại chỗ" thất bại. Nới lỏng sẽ tăng đáng kể rủi ro dịch bùng phát mạnh hơn", tổ tư vấn đánh giá.

Từ thực tế kể trên, các chuyên gia tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế kiến nghị, cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tổ chức "3 tại chỗ". Bởi việc được hỗ trợ tài chính sẽ giúp các doanh nghiệp tổ chức tốt hơn, giảm rủi ro lây nhiễm.

Riêng đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, tổ tư vấn kiến nghị một gói hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" tại các KCX/KCN với giá trị khoảng 500 tỷ đồng. Gói này sẽ được giải ngân thành 2 đợt

Trong đợt 1, hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp hiện đang tổ chức sản xuất 3 tại chỗ kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 cho đến nay.

Mức hỗ trợ (được giải ngân ngay khi ban hành gói hỗ trợ) khoảng 4,5 triệu đồng trên một lao động. Theo đó, tổng mức hỗ trợ cho mỗi doanh nghiệp được tính trên số lượng lao động 3 tại chỗ thực tế mà doanh nghiệp sử dụng.

Mức hỗ trợ này này tương đương 48% mức chi phí tăng thêm bình quân của các doanh nghiệp khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong vòng 1 tháng.

Tổng giá trị của gói hỗ trợ đợt 1 là 270 tỷ đồng.

Gánh nặng chi phí, doanh nghiệp "3 tại chỗ” cần được hỗ trợ tài chính? - Ảnh 4.

Đề xuất hỗ trợ tài chính cho các DN tổ chức "3 tại chỗ". (Ảnh: MH)

Đợt 2, hỗ trợ tiếp cho các doanh nghiệp hiện tiếp tục tổ chức sản xuất 3 tại chỗ (nếu kéo dài tiếp CT16+ từ 15/8/2021).

Mức hỗ trợ là 3 triệu đồng trên một lao động, tương đương 64% mức chi phí tăng thêm bình quân của các doanh nghiệp khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong vòng 15 ngày.

Tổng giá trị của gói hỗ trợ đợt 2 là 230 tỷ đồng.

Trong kiến nghị của mình, tổ tư vấn lưu ý, gói hỗ trợ này không nên quy định chỉ hỗ trợ cho một hạng mục chi phí cụ thể, thay vào đó doanh nghiệp sẽ tự quyết định dùng tiền hỗ trợ này để trang trải các chi phí cụ thể của doanh nghiệp

Ngoài ra, gói hỗ trợ này không phân biệt về quy mô, đặc điểm cụ thể của doanh nghiệp. Từ đó việc triển khai gói hỗ trợ sẽ không tạo gánh nặng cho cơ quan thực thi, đặc biệt là trong khâu xét duyệt.

H.Anh
Cùng chuyên mục