"Gập ghềnh" giá test nhanh xét nghiệm Covid-19 ở các cơ sở y tế

Diệu Linh Thứ tư, ngày 29/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nhu cầu test nhanh xét nghiệm Covid-19 ở các cơ sở y tế trong mùa dịch hiện nay tăng cao. Tuy nhiên, giá test nhanh giữa các cơ sở y tế có sự khác nhau khá nhiều....
Bình luận 0

Người không ốm cũng khổ vì "viện phí" test nhanh Covid-19

Giữa tháng 9, chị L.N.M đã đưa chồng đi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện (BV) Xây dựng (Hà Nội), tại đây, theo yêu cầu của BV, cứ 3 ngày chị lại phải test nhanh Covid-19 một lần. Mỗi lần test nhanh có giá 280.000 đồng. 

Chồng nằm viện hơn 6 ngày thì chị xét nghiệm 3 lần, hết gần 1 triệu. Cũng vì tiết kiệm tiền xét nghiệm nên chị cũng không dám để người khác vào thay chị chăm sóc chồng, nên suốt thời gian chăm chồng ốm không chỉ mất thêm gần 1 triệu đồng để test nhanh cho mình mà chị còn sụt mất mấy cân thịt.

"Cũng biết theo quy định phải làm xét nghiệm nhưng đúng là tốn kém. Người bệnh được BHYT chi trả đã đành, người nhà đi theo thì phải chi "100%" viện phí. Người nghèo đi viện mùa này đúng là khổ thật", chị M chia sẻ.

"Gập gềnh" giá xét nghiệm test nhanh ở các cơ sở y tế - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Công ty TNHH công nghệ và xét nghiệm y học. Ảnh Medlatec

Còn chị Ngô T.H đưa mẹ đi khám tại BV Thu Cúc (Hà Nội) đã phải chi 540.000 tiền test nhanh Covid-19 cho cả hai mẹ con. Trong đó, giá test nhanh của chị là 300.000 đồng, còn mẹ chị trên 65 tuổi được Bệnh viện ưu tiên lấy giá 240.000 đồng. "Thời buổi này đến khổ, chẳng khác nào người không ốm cũng phải chi viện phí", chị H nói.

Tại BV Da liễu Hà Nội đang xét nghiệm miễn phí cho bệnh nhân đến khám và không khuyến khích người nhà đi cùng. Nếu bắt buộc phải cần người nhà đi cùng thì sẽ phải test nhanh Covid-19 với giá 100.000 đồng/lần nếu như không có chứng nhận đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine Covid-19.

"Hoa mắt" với giá test nhanh Covid-19

Qua khảo sát nhanh, hiện nay, giá test nhanh Covid-19 ở các cơ sở y tế cả tư và công có nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể như giá test nhanh Covid-19 ở BV E là 238.000 đồng; BV đa khoa Ninh Bình là 200.000 đồng; BV Sản Nhi Vĩnh Phúc là 238.000 đồng...

Bệnh nhân nếu có BHYT thì được BHYT chi trả theo mức được hưởng, còn người không có BHYT và người thân của bệnh nhân phải chi trả 100%.

Ngoài ra, nếu sử dụng dịch vụ y tế theo yêu cầu thì giá test nhanh Covid-19 có thể cao hơn từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Còn tại các phòng khám và bệnh viện tư giá dịch vụ y tế còn dao động nhiều hơn.

Cụ thể giá test nhanh Covid-19 tại phòng khám MEDIPLUS (Hoàng Mai, Hà Nội) là 350.000 đồng/người/lần. Phòng khám Y khoa Hà Đông (Hà Nội) 1 lần test nhanh có giá 240.000 đồng/lần.

Mức giá test nhanh tại phòng khám đa khoa Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì "mềm" hơn, 199.000 đồng/người/lần trong giờ hành chính và 229.000đ/lần ngoài giờ và ngày nghỉ. 

Còn tại Công ty TNHH công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec), giá xét nghiệm Covid-19 được niêm yết công khai áp dụng chung trên toàn quốc chỉ có giá 179.000 đồng/mẫu.

"Gập gềnh" giá xét nghiệm test nhanh ở các cơ sở y tế - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh HCDC

Tại sao có sự "phong phú" về giá xét nghiệm test nhanh Covid-19?

Có sự khác biệt lớn giữa giá test nhanh ở các cơ sở y tế này, một lãnh đạo bệnh viện cho biết, theo quy định của Bộ Y tế là chi phí xét nghiệm test nhanh Covid-19 sẽ được tính "thực thanh thực chi", theo giá test nhanh mà cơ sở y tế đó mua.

Do đó, nếu cơ sở sử dụng các test nhanh đắt tiền thì giá xét nghiệm test nhanh sẽ đắt, còn mua test nhanh giá rẻ thì đương nhiên giá xét nghiệm sẽ rẻ hơn.

Trước đó, ngày 7/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn mới nhất về về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 từ ngày 1/7/2021.

Theo đó, mức giá xét nghiệm nhanh trước ngày 1/7/2021 với đối tượng tham gia BHYT thực hiện theo mức giá 238.000 đồng; Đối tượng không thanh toán BHYT thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng.

Từ ngày 1/7/2021, chi phí xét nghiệm Covid-19 được thực hiện thực thanh thực chi. Trong đó, chi phí test nhanh Covid-19 bao gồm các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm: vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công: cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng chống dịch.

"Gập gềnh" giá xét nghiệm test nhanh ở các cơ sở y tế - Ảnh 4.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh HCDC

"Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh thực chi: chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật", Bộ Y tế cho biết.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện các loại định mức xét nghiệm và đã dự thảo Thông tư về mức giá xét nghiệm xin ý kiến các Bộ, đơn vị để ban hành.

Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá do chưa được quy định trong luật.

Người có BHYT sẽ được thanh toán theo mức được hưởng (đồng chi trả 20%, 5%, 0%) giá xét nghiệm "thực thanh thực chi", còn người không có BHYT, người nhà bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm phải thanh toán 100%.

Ngày 27/9, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, trước 20/8, giá test nhanh dao động từ khoảng 100.000 - 198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25/9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó, mức giảm khoảng 20.000 - 70.000 đồng/test.

Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 loại test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 6 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy). Như vậy tổng cộng có 37 loại test nhanh với nhiều mức giá khác nhau. 

Điều này lý giải phần nào khi chi phí được tính "thực thanh thực chi", giá xét nghiệm test nhanh Covid-19 ở các cơ sở y tế là không đồng nhất.

Chiều tối ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng lý giải việc giá test xét nghiệm Covid-19 có sự khác nhau. Theo Thứ trưởng Thuấn, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến giá test xét nghiệm Covid-19.

Đó là nếu test có tiêu chuẩn của WHO thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; nếu test có xuất xứ ở các quốc gia Âu- Mỹ thì thường đắt hơn nơi khác;

Ở giai đoạn cao điểm dịch gia tăng, nhà cung ứng ít thì đương nhiên giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận.

Nếu mua với số lượng nhiều thì thường giá sẽ rẻ hơn so với số lượng ít.

Theo Thứ trưởng Thuấn, theo quy định, hiện nay đơn vị sản xuất/nhập khẩu test xét nghiệm Covid-19 tự thông tin tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng và giá bán do đơn vị sản xuất, cung ứng tự công bố và chịu trách nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem