Gặp mưa, hàng loạt chung cư TP.HCM “đổ bệnh”

22/06/2020 10:20 GMT+7
Đến hẹn lại lên, mỗi khi thời tiết phía Nam chuyển qua mùa mưa thì cũng là lúc người dân ở đây “làm quen” với việc nước “ghé thăm” nhà.

Ở trên cao cũng bị ngập

Từ nhiều năm nay, điệp khúc hễ mưa là ngập đã dần trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân tại TP.HCM. Mỗi khi trời mưa lớn là ngập, ngập từ đường phố, ngõ hẻm rồi tràn cả vào trong nhà. Thậm chí, những gia đình ở tít trên cao cũng bị “bà thủy” ghé thăm.

Đơn cử như tại chung cư Tecco Town, quận Bình Tân, sau một cơn mưa lớn tuần qua thì toàn bộ hành lang tầng 20 tại Block D đã mênh mông nước. Cũng bởi bị nước tràn vào nên thang máy cũng ngừng hoạt động, thang thoát hiểm thì nước chảy “như thác”.

Các căn hộ trên tầng 21 cũng không thoát được cảnh ngập, nước tràn vào đến tận phòng ngủ, khiến nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng nặng.

Theo Ban quản lý chung cư, nguyên nhân sự việc trên là do một căn hộ ở tầng 21 quên đóng cửa, nên nước mưa tràn vào rồi chảy xuống tầng 20 và nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân sống tại đây lại không đồng tình với lời giải thích này. Bởi họ cho rằng, do cống thoát nước ở sân thượng nhỏ quá khiến nước rút không kịp, nên mới tràn vào lối cầu thang rồi xuống từng tầng. Thậm chí, một số người còn nghi ngờ do chất lượng công trình có vấn đề nên bị thấm, rò rỉ nước…

“Ban đầu tôi tưởng chỉ có Block D bị ngập, sau đó hỏi ra mới biết các block khác cũng bị, thậm chí rất nhiều căn hộ có tường bị thấm nước. Thật sự quá hoang mang, không thể tin được chuyện sống ở chung cư cao tầng cũng có ngày phải còng lưng tát nước ngập”, anh T, một cư dân ở đây chia sẻ.

Gặp mưa, hàng loạt chung cư TP.HCM “đổ bệnh” - Ảnh 1.

Hành lang của một chung cư tại TP.HCM lênh láng nước sau trần mưa to tuần qua

Trước đó, sau khi cơn mưa lớn và kéo dài đổ bộ thì nước đã “ghé thăm” nhà chị M., tại Block D chung cư Lê Thành, quận Bình Tân. Theo chị M., nhà chị ở tầng 12 nhưng nước vẫn vào theo hướng cửa sổ. Hai vợ chồng phải thay nhau lau và tát nước tới tận khuya mới xong.

“12h đêm rồi mà vẫn phải ngồi canh cửa sổ, sống tại chung cư cao tầng mà cứ ngỡ như nhà tranh vách lá ngày xưa”, chị M., than thở.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra đối với những căn hộ trung cấp, mà ngay cả những dự án cao cấp cũng chẳng khá hơn.

Chẳng hạn, tại một dự án căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cư dân ở đây cũng đã không ít lần phản ánh rằng, từ khi nhận nhà đến nay chưa có lần nào mưa mà cư dân có thể rảnh tay.

“Mưa nhỏ lau ít, mưa to lau từ sáng tới chiều. Trong khi đó, tường bị rỉ nước chảy ngập nhà, cửa ban công thì nước nhỏ mạnh hắt vào… Gọi bảo trì lên thì 2 tuần chưa thấy đâu”, một cư dân bức xúc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ bị nước “ghé thăm”, mà tại nhiều dự án cũng đã “bộc lộ sức khỏe” ngay sau khi cơn mưa ghé qua, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Chị Hằng, một cư dân tại Chung cư New Saigon (Hoàng Anh Gia Lai 3) cho biết, hàng năm, ban quản trị vẫn chi hàng trăm triệu đồng để thanh toán việc bảo trì, sơn sửa lại dự án. Tuy nhiên, chỉ sau 1 cơn mưa đầu mùa thì toàn bộ lớp sơn mới trên trần tại hành lang bị bong tróc, rơi tả tơi xuống dưới nền.

“Tình trạng này thì block nào cũng bị. Mặc dù là ở trong hành lang, không phải ở bên ngoài nhưng sau 1 trận mưa đã bong tróc, rơi xuống dưới rất bẩn”, chị Hằng nói.

Trước tình trạng trên, đã có không ít cư dân đặt ra câu hỏi và thắc mắc rằng, có phải do đội ngũ thi công ẩu nên mới bị nước tràn vào hay không? Liệu rằng chất lượng của công trình có ảnh hưởng khi bị ngập hay không?

Chất lượng công trình có bị ảnh hưởng?

Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, mưa ngập ở TP.HCM là vấn đề lớn không chỉ với khách hàng, mà còn đối với các chủ đầu tư. Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng, trong đó thách thức dành cho các chủ đầu tư là chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm các cao ốc có đảm bảo hay không. Nhìn xa hơn, có thể các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ có lưu ý đặc biệt đối với nhóm khách hàng mua hoặc phát triển dự án bất động sản.

Gặp mưa, hàng loạt chung cư TP.HCM “đổ bệnh” - Ảnh 2.

Nhiều gia đình khổ sở vì ở trên cao vẫn bị “bà thủy” ghé thăm

Trao đổi với phóng viên liên quan đến câu hỏi trên, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho biết, tình trạng nước tràn vào nhà hoặc căn hộ trên cao có rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do cửa sổ không kín, bị tạt từ ban công…, thậm chí là do từ ống cống chảy ngược lên, chứ không phải là trong quá trình thi công ẩu mới dẫn đến tình trạng này.

“Hiện tại, các chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đều làm rất bài bản và đúng kỹ thuật. Họ không dại gì mà làm ẩu vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng, rồi ảnh hưởng đến trực tiếp uy tín của họ nữa”, ông Phi nói.

Với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm trong ngành xây dựng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, việc nước mưa tràn vào trong nhà là những lỗi kỹ thuật không phải lớn, không ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình, cũng như tuổi thọ của công trình. Tuy nhiên, việc này sẽ làm hư tường, hỏng lớp sơn vôi, thấm trần, gây bẩn nhà…, thậm chí, nếu sàn nhà được lát bằng gỗ thì sẽ bị hư hỏng hết.

“Tuy rằng những lỗi này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, mỹ quan của công trình”, ông Đực nói và cho biết thêm, để làm hỏng một tấm tường phải mất rất nhiều năm, bởi hầu hết các công trình hiện tại đều được xây dựng bằng vật liệu tốt, một hai trận mưa sẽ không vấn đề gì.

Đồng quan điểm, ông Phi cho rằng, hiện tượng nước mưa hắt, thấm và nhà sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhưng nếu không biết cách xử lý thì gia chủ sẽ phải hứng chịu những hệ lụy khó lường cả về sức khỏe và kinh tế. Bởi nước ngập không chỉ ngấm và làm hỏng đồ đạc trong nhà, mà còn mang theo cả vi khuẩn và nhiều mầm gây bệnh khác.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc xử lý khi nhà bị nước “ghé thăm”, ông Phi cho biết, khi thấy trời mưa lớn kéo dài, thấy có khả năng nước sẽ tràn vào nhà thì phải di chuyển ngay các đồ đạc quan trọng dễ bị hư hỏng lên chỗ cao. Đặc biệt, đồ điện, các thiết bị điện, đồ vật có giá trị, giấy tờ, tài liệu quan trọng… và tốt nhất là nên ngắt ngay các thiết bị điện, ga, nước trước khi nước tràn vào.

Trong trường hợp không chạy đồ kịp thì phải có cách xử lý riêng khi nước rút. Đơn cử, đồ nội thất bằng gỗ thì có thể sử dụng các loại dung dịch chuyên dụng để tẩy rửa. Sau đó làm khô bằng cách cho nước bay hơi rồi đánh lại vecni để chống ẩm và mối mọt, mục rỗng sau khi ngâm nước.

Còn đối với đồ nội thất từ các vật liệu dễ thấm hút và tích trữ nước như nệm, xốp, thảm… thì chủ nhà sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bởi các vật liệu này là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển nếu chúng bị ngâm nước quá lâu.

“Để xử lý với các món đồ này, chúng ta cần phải hút sạch hết nước, hút kỹ cho đến khi kiệt nước. Sau đó giặt sạch bằng dung dịch giặt và khử mùi chuyên dụng, cuối cùng là hút khô lại một lần nữa”, ông Phi nói và cho biết thêm, với đồ nội thất thì tuyệt đối là không được mang ra phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời quá gắt. Bởi ánh nắng quá gắt sẽ làm hỏng cấu trúc món đồ, thậm chí là không thể sử dụng được nữa.

Việt Dũng/Báo Đầu tư Bất động sản
Cùng chuyên mục