Gặp người xé ống quần lau nòng pháo

Hồng Đức Thứ bảy, ngày 28/03/2015 06:59 AM (GMT+7)
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống lực lượng dân quân tự vệ, chúng tôi về khu phố Nguyễn Mộng Tuân, phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa),  tìm gặp bà Nguyễn Thị Hiền - một “nữ tướng” dân quân tự vệ kiên cường bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Bình luận 0

Ngày truyền thống nhưng bà vẫn thoáng buồn vì hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng của bà vẫn chưa được trả lời suốt 18 năm qua.

Người còn lại của Hàm Rồng

Dù đã bước sang tuổi “thất thập”, nhưng bà Hiền vẫn hằng ngày đạp xe đi sinh hoạt công tác xã hội và lễ chùa. Khi nghe chúng tôi giới thiệu và đề nghị được nghe kể về những năm tháng đã từng chiến đấu ở trận địa Hàm Rồng, bà Hiền tỏ nét mặt hào hứng. Rồi bà ngồi kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày bà cùng đội nữ dân quân tự vệ làng Yên Vực (Hoằng Long, Hoằng Hóa), tham gia trận địa Hàm Rồng. Ký ức của những ngày máu lửa ấy ùa về, khiến đôi mắt của bà có lúc nhòe đi. Trong câu chuyện, bà nhắc đến những đồng đội của bà trong “Bảy nữ dân quân làng Yên Vực”, bây giờ người còn, người mất. Lúc bấy giờ, cả mấy chỉ em đều sàn sàn tuổi như nhau cả, và ai cũng căm thù giặc Mỹ.

img

Nữ dân quân tự vệ Nguyễn Thị Hiền (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn cách sử dụng súng trường cho đồng đội. (ảnh chụp lại của nhà báo Mai Nam)

Thời điểm đó, bà là người dẫn đầu 7 cô gái làng Yên Vực chở hàng trăm lượt thuyền đạn vượt sông Mã dưới làn mưa bom, bão đạn của địch để sang bờ Nam cầu Hàm Rồng chi viện cho bộ đội đánh giặc. Nguyễn Thị Hiền cũng chính là người đã có sáng kiến xé ống quần của mình, nhúng nước rồi đắp lên nòng pháo cho đỡ nóng để tiếp tục chiến đấu với quân thù. Trong các ngày từ 21 - 23.9.1966, máy bay Mỹ đánh phá điên cuồng nên mặt bê tông của cầu Hàm Rồng đã bị phá hủy, chỉ còn lại đường ray xe lửa, trong khi đó các trận địa pháo đã hết đạn. Không sợ hy sinh, bà đã vác những hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình đi trên những thành ray qua cầu để chi viện vũ khí cho trận địa phía Nam cầu Hàm Rồng…

“Còn bây giờ, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày truyền thống dân quân tự vệ hàng năm, mấy chị em trong đội năm xưa thường tự tổ chức gặp nhau để ôn lại kỷ niệm thôi, con ạ”. Nói xong, bà vội quay mặt, giấu tôi một nỗi buồn xa xăm nào đó.

Sao không ai trả lời?

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã (Thanh Hóa), có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông Bắc-Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc (1965 - 1973), đế quốc Mỹ đã tổ chức hơn 1.000 trận tập kích bằng không quân, ném xuống 70.600 tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa, rốc két... nhưng cầu Hàm Rồng vẫn trụ vững, nhờ sự kiên cường chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa, trong đó đặc biệt có lực lượng dân quân tự vệ mà bà Hiền và những dân quân làng Yên Vực là những người tham gia quả cảm nhất.

Tháng 1.1997, Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa tiếp tục gửi tờ trình lần 2 (lần 1 vào năm 1995), đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân cho bà Nguyễn Thị Hiền. Tờ trình nhấn mạnh các chiến công đặc biệt của bà Hiền. Với những chiến công ấy, bà Nguyễn Thị Hiền đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba, 2 Huy hiệu Bác Hồ, 2 Huy hiệu Chiến sĩ thi đua Dân quân tự vệ cấp Trung ương, 24 bằng khen, giấy khen từ cấp Trung ương đến địa phương…

Xem xong bản đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với bà Nguyễn Thị Hiền, do Bộ chỉ huy quân sự Thanh Hóa gửi lên Bộ Quốc phòng, tôi thầm hỏi, vì sao với những thành tích của nữ dân quân tự vệ Nguyễn Thị Hiền rõ ràng như vậy, mà đến nay, bà vẫn chưa nhận được danh hiệu gì xứng đáng? Phải chăng, những thành tích đóng góp, hy sinh, mất mát của người phụ nữ ấy có còn được ghi nhớ, còn vướng mắc ở khâu nào hay đã bị lãng quên từ hàng chục năm nay (?!).

Trước lúc chia tay, “nữ tướng” Nguyễn Thị Hiền nói với tôi một câu rằng: “Bà sống được đến ngày hôm nay và còn sức khỏe là hạnh phúc lắm rồi. Những việc mà bà đã từng trải qua cách đây nửa thế kỷ, dù rằng có thành tích thật nhưng chưa được cấp trên ghi nhận, thì bà vẫn còn may mắn hơn so với người đã ngã xuống mảnh đất đầy mưa bom, bão đạn ấy, con ạ!”. Và, trong tôi bỗng chợt thấy nao lòng!


 Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống của dân quân tự vệ Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ Việt Nam. Trong thư, Chủ tịch nước  tin tưởng rằng trong giai đoạn cách mạng mới lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam sẽ  tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

 Anh Thư
 7 cô dân quân làng Yên Vực ngày xưa còn 6 người, gồm bà Hiền, Se, Can, Tân, Tuyền, Xế (bà Tâm đã mất). Hàng năm, cứ đến ngày 3-4.4, các bà lại hội tụ nhau về làng Yên Vực gặp nhau, cùng nhau nấu ăn mừng ngày  gặp mặt.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem