Gặp ‟ông hoàng biệt danh” của sân khấu cải lương

Chủ nhật, ngày 22/09/2013 06:33 AM (GMT+7)
Sân khấu cải lương miền Nam từ khi mới ra đời đã chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ vàng với những “ông vua bà hoàng” ngự trị trên tột đỉnh vinh quang của nghệ thuật.
Bình luận 0
Một số người đã về với cát bụi, người còn trên thế gian thì cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”; nhưng những cống hiến và danh tiếng của họ luôn có một giá trị mà các thế hệ hậu sinh hướng tới. Nhưng xem ra, thời kỳ vàng son ấy chỉ gắn liền với những con người “thượng thặng” nhất định. Vua vọng cổ Út Trà Ôn, vua xàng xê Minh Chí, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga… tất cả đã về với tổ nghiệp, chỉ còn một “Vua Tao Đàn” đứng cô đơn và quy ẩn vì sân khấu cải lương (SKCL) đã hết thời hoàng kim…
“Cặp sóng thần” Thanh Hải – Ngọc Hương tái ngộ khán giả vở “Hán Đế biệt Chiêu Quân” năm 2006
“Cặp sóng thần” Thanh Hải – Ngọc Hương tái ngộ khán giả vở “Hán Đế biệt Chiêu Quân” năm 2006
Phải là một nghệ sĩ tài hoa, tầm vóc và “chịu” lang bạt lắm Thanh Hải mới được giới ký giả và người mộ điệu phong tặng lên hàng nghệ sĩ có nhiều biệt danh nhất: “Vua Tao Đàn”, “Kép triệu phú đầu tiên” và “Anh hùng lưu diễn”…

Vô tình nghe được “Đệ nhất danh ca”

Hỏi chuyện nghệ sĩ nổi tiếng thường đa tình, ông cười lém lỉnh nhìn bà xã ngồi kế bên: “Đi diễn xa ngủ khách sạn có người gác cũng không yên. Khán giả, nhất là nữ sinh trung học đệ nhất cấp đến xin chữ ký và xin hình từ sáng đến chiều. Mỗi lần đi diễn phải mang theo cả ngàn tấm hình và ký tặng sẵn trên đó…”.

Dù tuổi đã gần 80 nhưng nghệ sĩ Thanh Hải vẫn còn rất phong độ. Trong lúc trò chuyện, ông thường ngẫu hứng “nhả” vài câu vọng cổ hay một số trích đoạn cải lương làm nên tên tuổi một thời cho khách nghe. Giọng ông vẫn ngân vang trầm bổng như chuông đồng. Cái chất giọng ấy đã khiến hàng triệu khán thính giả say mê qua từng năm tháng…

Nghệ sĩ Thanh Hải tên thật Hồ Văn Xia, cầm tinh con hổ - 1938. Cha hoạt động cách mạng và bị địch bắt rồi giết mất xác khi ông lên 8. Thanh Hải đi học và nhờ giỏi tiếng Pháp nên được nhận vào làm nhân viên phòng thí nghiệm của đồn điền cao su Bến Cát. Mất cha, xa mẹ, những đêm khuya vắng giữa rừng cao su bạt ngàn, ông lấy radio bầu bạn. Vô tình nghe được “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn hát bản Sầu vương biên ải của soạn giả Thái Thụy Phong đã gieo vào lòng ông một nỗi say mê, thần tượng. Ông nhờ người quen tìm mua giúp mấy tập bài ca và tập hát theo ông “Vua vọng cổ”…

Sau 7 năm, ông thôi việc và lang bạc đây đó, bị bắt quân dịch rồi trốn trại về Sài Gòn nương náu tìm việc. May mắn gặp được soạn giả Điền Long giới thiệu ông vào gánh hát Hữu Chí. Ở đây, Thanh Hải phụ soát vé và tham gia vài vai nhỏ, thời gian còn lại ngồi bên cánh gà xem đàn anh đàn chị hát. Không lâu, ông bỏ đoàn, lấy nghệ danh Thanh Hải gia nhập gánh Ánh Sáng của bầu Năm Tập.
Vợ chồng “Vua Tao Đàn” Thanh Hải – Mỹ Linh
Vợ chồng “Vua Tao Đàn” Thanh Hải – Mỹ Linh
Ban đầu, Thanh Hải đóng những vai lão nhưng với chất giọng thiên phú, vóc dáng ăn hình nên được nhiều người chú ý. Lúc này, kép chánh đoàn có Tư Long, Paul Thuận đã luống tuổi, soạn giả Công Quận bằng con mắt nhà nghề đã đề nghị bầu Tập cho Thanh Hải thay đàn anh đảm trách kép chánh. Công Quận viết liên tiếp ba vở tuồng “đo ni đóng giày” cho Thanh Hải hát chính: Trăng nước Hà Tiên, Đường lên núi Tây Ninh, và Chiếc lá vàng. Các xuất diễn luôn cháy vé, bầu Năm Tập “ăn nên làm ra” và vững tâm mang quân đi “thi thố” với các “đại bang” ở Sài Gòn.

Thời đó, các đoàn nhỏ ở tỉnh lẻ nào dám chen chân vào diễn ở các rạp. Vậy mà nhờ cái tên Thanh Hải, đoàn Ánh Sáng vươn ra biển lớn. Thanh Hải lọt vào tầm ngắm của các đại bang. Liên tiếp 2 năm 1960-1961, hết Kim Hoàng - Như Mai ký hợp đồng với tài danh Thanh Hải đến bầu Ba Bản của đoàn Thủ Đô nhảy vào. Đoàn Thủ Đô quy tụ những đại thụ như: NSND “quái kiệt” Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ngọc Hương, Tấn Tài, Thanh Hoa… Nhờ “quái kiệt” Ba Vân rèn giũa, đồng thời học hỏi bậc thầy Út Trà Ôn mà khả năng diễn xuất và ca ngâm của Thanh Hải như “hổ mọc thêm cánh” đủ khả năng vùng vẫy với thiên hạ.

Rồi Út Trà Ôn và Hoàng Giang lập gánh Thống Nhất, Thanh Hải đương nhiên một mình một cõi. Hàng loạt các vở diễn được soạn giả tài hoa Thu An viết cho Thanh hải làm kép chánh để đời: Đào Cam Mộc trong vở Tiếng trống sang canh, Châu Vũ Đào vở Chiếc lá mùa thu, Kim Bình trong Sầu quan ải… Ngoài thu trên hãng dĩa Hoành Sơn của bầu Ba Bản bán rất chạy, Thanh Hải còn được nhiều hãng dĩa tranh nhau mời mọc…

Người đầu tiên đưa “Tao Đàn” lên SKCL

Nghệ sĩ Thanh Hải có giọng “đồng” khỏe khoắn, âm vực cao rộng, trầm bổng du dương nên khi hát nghe rất sâu lắng. Nếu như “Vua vọng cổ” Út Trà Ôn có lối ca sắp chữ, chẻ nhịp không ai sánh bằng thì Thanh Hải lại ít chẻ nhịp mà rong chữ, đong đưa nhịp rất độc đáo. Nếu ông vua vọng cổ có giọng ca sang trọng, chững chạc thì Thanh Hải lại man mác trữ tình, thổn thức trẻ trung... Một thầy một trò có cách hát gần gũi, tương thích nhau, Thanh Hải tự nhủ mình không thể làm cái bóng của ông “Vua vọng cổ” mãi.
“Kép triệu phú” Thanh Hải và NSƯT Lệ Thủy trong vở Khi trời lạnh sương khuya
“Kép triệu phú” Thanh Hải và NSƯT Lệ Thủy trong vở Khi trời lạnh sương khuya
Ông tâm sự: “Một lần, sau khi nghe cô Hồ Điệp ngâm thơ trong chương trình “Ngâm thơ Tao Đàn” do thi sĩ Đinh Hùng phụ trách trên Đài phát thanh Sài Gòn sau năm 1954 mà bác sáng tạo nên lối hát diễn ngâm mới mang hơi thở Tao Đàn”. Nó được ông áp dụng diễn đầu tiên trong vở Chiếc áo mùa thu của soạn giả Thu An (đoàn Thủ Đô) vào năm 1962.

Sự kết hợp nhấn nhá âm điệu và làn hơi “Tao Đàn” quá mới lạ đã khiến khán giả và người trong giới ngỡ ngàng thán phục. Kể từ đó Thanh Hải luôn vận dụng lối ca ngâm “Tao Đàn” do mình sáng tạo trên sân khấu. Ông tâm đắc: “Cứ mỗi lần ngâm Tao Đàn hay xuống câu vọng cổ, khán giả vỗ tay rần rần làm mình khoái trong người quá trời”.

Bằng sự sáng tạo trong cách ca ngâm, Thanh Hải đường hoàng đứng trên đài vinh quang cùng với những “ông vua bà hoàng” của SKCL. Cho tới nay, chưa một nghệ sĩ nào có thể ca được phong cách Tao Đàn như Thanh Hải. Đó vừa là sự khẳng định “thương hiệu” của một “kỳ tài” Thanh Hải vừa là nốt trầm buồn cho hậu thế khi ông vẫn chưa có truyền nhân.

“Anh hùng lưu diễn” và trở thành “Kép triệu phú” đầu tiên

Năm 1962, Thanh Hải sang làm kép chánh cho đoàn Kim Chưởng, một đại bang mệnh danh “Nhất Chưởng nhì Long”. Lúc bấy giờ, ở đâu xuất hiện đoàn Kim Chưởng với “cặp sóng thần” Thanh Hải - Ngọc Hương là các đoàn khác phải “cuốn rạp” đi nơi khác diễn. Chính điều đó mà Thanh Hải trở thành một “Anh hùng lưu diễn” trong mắt ký giả và người mộ điệu!

Những vở “kinh điển” của đôi “thương hiệu vàng” này cho đến nay không một đôi nghệ sĩ nào có thể sánh bằng được: Hán Đế biệt Chiêu Quân, Nửa bản tình ca, Nắng chiều trên sông Dịch, Cô gái sông Đà, Thuyền ra cửa biển, Hai chiều ly biệt, Tiếng trống sang canh… Đó cũng chính là những vở mà Thanh Hải vận dụng phong cách ca ngâm tuyệt đỉnh: Tao Đàn lên SKCL. Có được sự thành công rực rỡ này, Thanh Hải luôn tâm niệm: “Mang ơn bầu Kim Chưởng rất nhiều”…

Nhưng vì thời cuộc, Thanh Hải rời Kim Chưởng để rồi một sự kiện làm chấn động giới SKCL: bản hợp đồng trị giá kỷ lục 1,2 triệu đồng mà Thanh Hải ký với đoàn Kim Chung vào năm 1963. Trong khi những bậc tiền bối sáng giá lúc bấy giờ: Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Hùng Cường… thì hợp đồng cũng không quá giới hạn 800.000 đồng. Và Thanh Hải trở thành “Kép triệu phú” đầu tiên của SKCL Việt Nam.

Ông được bầu Long điều đi hát từ Kim Chung 1 đến Kim Chung 6 để “giải nguy” khi các đoàn này ế khách. Ở đây, Thanh Hải hát cùng những tài danh: Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Út Hậu, hề Văn Hường… Và bằng tài hoa, Thanh Hải trở thành diễn viên xuất sắc của giải Thanh Tâm năm 1967 cùng 3 diễn viên xuất chúng: Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu.

Năm 1970, ông cùng Văn Hường đứng ra lập gánh hát riêng, nhưng chỉ sau 2 năm thì rã gánh vì chiến tranh ly loạn. Thanh Hải sang đoàn Thái Dương hát chung với những tên tuổi vang bóng: Thành Được, Phượng Liên, Mỹ Châu, hề Văn Chung... Rồi sang đoàn Quê Hương, Thống Nhất (Tây Ninh) và gần 10 năm đoàn Văn Công TP.HCM. Bỗng năm 1988, Thanh Hải giải nghệ. Ông giải thích: “Biết dừng lại đúng lúc thì giữ lại được một hình ảnh đẹp trong lòng khán giả và một phần cũng vì nhận thấy thời cuộc thay đổi mà thôi...”.

Và dù “quy ẩn” nhưng Thanh Hải vẫn thường xuyên được mời tham gia các chương trình văn nghệ từ thiện trong và ngoài nước. Mỗi lần xuất hiện, khán giả lại cổ vũ nồng nhiệt khi thấy một Thanh Hải thuở nào nhưng già dặn hơn xưa. Điều đó chứng tỏ khán giả vẫn còn nhớ đến ông… một vị “Vua Tao Đàn”…
Nguyên Pháp (Dòng Đời) (Nguyên Pháp (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem