Ghe lật, 3 phụ nữ nghèo tử nạn ngày đông

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 14:28 PM (GMT+7)
Với cái lạnh cắt da thịt, họ vẫn vượt sông đi cấy lúa thuê kiếm thêm tiền mua giống, mua áo, quần tết cho con. Chiếc ghe rất nhỏ nhưng chủ ruộng bất chấp nguy hiểm, đến gần giữa sông chiếc ghe bị chìm...
Bình luận 0
Tiếng “kêu cứu” giữa dòng sông lạnh

Sự việc tang thương trên xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng nay (27.12), tại sông Gò Trâu, giáp ranh giữa thôn Mỹ Cang và Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Anh Phạm Công Đường (trú thôn Mỹ Cang), mượn chiếc ghe nhôm của ông Phạm Minh Dinh (người địa phương) chở 8 người phụ nữ thôn Thạch Tân sang cánh đồng Đùi, nằm bên bờ sông Gò Trâu để cấy mấy sào lúa cho mình.

Khi đến giữa sông, chiếc ghe bị chìm, cả 9 người rơi xuống sông, làm chị Trần Thị Phượng (35 tuổi), Trần Thị Lanh (49 tuổi) và Trần Thị Yến (53 tuổi, cả ba đều trú thôn Thạch Tân), chết đuối.

Chiếc ghe nhôm, anh Đường dùng đưa 8 người phụ nữ sang sông đi cấy lúa thuê cho mình làm 3 người chết.
Chiếc ghe nhôm mà anh Đường dùng đưa 8 người phụ nữ sang sông đi cấy lúa thuê cho mình làm 3 người tử nạn

Anh Phạm Minh Dinh, chủ ghe kể:

“Sáng nay tôi đi nhổ mạ để chuẩn bị cấy lúa, ghe của tôi để không ở bến, anh Đường hỏi mượn để đưa các chị em sang sông cấy giùm mấy sào lúa. Đến khoảng 7 giờ, trong lúc đang nhổ mạ cách nơi gặp nạn khoảng 300m, tôi nghe rất nhiều tiếng kêu cứu thảm thiết.

Tôi vội vã chạy lên, cùng với anh em trong xóm cứu được một số người đưa lên bờ. Sau đó, một số người nói rằng, dưới nước còn 3 người chưa vớt được. Dù trời rất lạnh, nhưng tôi vẫn cố gắng bơi ra lặn vớt 3 thi thể nạn nhân Lanh, Yến và Phượng vào cấp cứu, nhưng đã quá muộn”.

Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân xấu số về nhà mai tang
Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân xấu số về nhà mai tang

Bà Trần Thị Loan (64 tuổi), thoát chết kể lại:

“Ngày 25.12, 8 người chúng tôi, trong đó có em gái tôi nữa là Trần Thị Yến (sống neo đơn ở cùng với bà Loan), đi cấy lúa thuê cho chị Trương Thị Hiển (46 tuổi, trú thôn Mỹ Cang), mỗi người nhận tiền công được 120.000 đồng. Sau một ngày nghỉ, sáng nay 8 người chúng tôi tiếp tục đi cấy lúa thuê cho ông Đường với ngày công 140.000 đồng.

Hai chị em ăn vội miếng cơm, sau đó cùng 6 người kia đón xe xuống dưới bến sông Gò Trâu, ông Đường mượn ghe đưa qua sông để cấy lúa. Thấy ghe nhỏ, tôi có hỏi ghe nhỏ thế này, sao đi hết 9 người?. Ông Đường nói, cứ ngồi im vào trong ghe, tôi chống sang sông.

Mới ra được khoảng vài chục mét, phía đuôi ghe ập nước vào, chiếc ghe tròng chành rồi chìm hẳn dưới nước. Tôi cố bơi vào bờ và được người dân cứu lên bờ đưa đi sưởi ấm. Khi lực lượng chức năng đưa thi thể em Yến về nhà, tôi mới biết em gái mình đã chết. Sao em nỡ bỏ chị ra đi vậy em, từ nay mỗi sáng ai đi làm chung với chị đây... ” - bà Loan ngất lịm.

Cấy lúa thuê kiếm tiền sắm đồ tết cho con.

Ông Đoàn Anh Diện (65 tuổi, người dân thôn Thạch Tân) nói: “Ông Đường quá ẩu, chiếc ghe nhỏ tí thế mà liều mình chở đến 9 người, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Rất có thể, các nạn nhân tử vong do lạnh, một phần họ mặc áo ấm, áo mưa, mang ủng nên không thể bơi được, khi ghe chìm họ bị chìm theo. Ba nạn nhân xấu số có hoàn cảnh rất bi đát, nghèo khổ, họ đi cấy lúa thuê để kiếm tiền”

Hai đứa con nhỏ của chị Trần Thị Phượng cùng mẹ già đau đớn bên thi thể chị
Hai đứa con nhỏ của chị Trần Thị Phượng cùng mẹ già đau đớn bên thi thể chị

Tang thương, vì tất cả 3 nạn nhân gặp nạn đều ở cùng xóm, ba cái tang với những tiếng khóc xé lòng của người thân, trẻ thơ trông ngóng mẹ. Bi đát nhất là trường hợp của chị Trần Thị Phượng, anh Lê Văn Tuyến (42 tuổi, chồng chị Phượng) nói trong nước mắt:

“Sáng sớm nay, vợ dậy nấu cơm nước cho cả nhà ăn. Rồi Phượng nói, em phải đi cấy lúa thuê ở Mỹ Cang kiếm thêm ít tiền để mua giống sạ mấy sào ruộng của mình, và mua sắm quần áo tết cho ba đứa con. Trước khi đi, Phượng còn dặn trưa nay em về trễ, anh ở nhà lo cơm nước cho 3 đứa con ăn, mặc quần áo cho con đi học.

Đến khoảng 7 giờ 30 phút, tôi nhận được tin của người dân nói rằng vợ chạy xe bị trúng gió, chứ không nói vợ chết do chìm ghe. Đến khoảng 8 giờ 30 phút, thi thể vợ được đưa về, tôi ngất lịm đi. Không ngờ, đây cũng là lần cuối cùng em ăn cơm với bố con anh. Ba con nhỏ vẫn còn trông chiếc áo ấm, chiếc quần, áo mới ngày tết, sao em nỡ bỏ ra đi vậy em. Giờ này chắc em lạnh lắm…” - anh Tuyến khóc nghẹn.

Bà Trần Thị Loan (bên phải) thoát chết kể lại sự việc
Bà Trần Thị Loan (bên phải) thoát chết kể lại sự việc

Ngồi bên thi thể mẹ, cháu Lê Thị Hồng My (12 tuổi, con của chị Phượng), vẫn chưa biết mẹ chết, cháu liên tục hỏi ba, mẹ bị đau hay sao mà phải đắp chiếu thế, sao không lấy mền đắp sưởi ấm cho mẹ, mẹ đau chắc tết này chúng con không có áo, quần để mặc tết rồi ba ơi. Những câu hỏi ấy, làm cho ai đến chia buồn cho chị Phượng cũng nghẹn lòng, rơi nước mắt cho cháu My.

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thiếu tá Trương Công Thái, Phó Trưởng công an TP Tam Kỳ, cho biết:

“Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an TP cũng với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại hiện trường tổ chức cấp cứu các nạn nhân thoát nạn. Tiến hành vớt chiếc ghe lên khám nghiệm điều tra. Việc ông Phạm Công Đường dùng chiếc ghe không đảm an toàn giao thông đường thủy đưa 8 người sang sông làm 3 người chết, việc này gây ra hậu quả rất là nghiêm trọng. Hiện chúng tôi đang tiến hành lấy lời khai ông Đường điều tra làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định pháp luật”.

Danh sách 9 người đi trên ghe nhôm:

* 6 người thoát chết

1 - Phạm Công Đường (chủ ruộng, sống ở thôn Mỹ Cang)

2 - Huỳnh Thị Hà

3 - Nguyễn Thị Lâm

4 - Nguyễn Thị Vận

5 - Lê Thị Vân

6 - Trần Thị Loan

* 3 người chết

1 - Trần Thị Phượng

2 - Trần Thị Lanh

3 - Trần Thị Yến (cả 6 nạn nhân trên đều sống ở thôn Thạch Tân)

Hồng Phong (Hồng Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem