dd/mm/yyyy

Ghe lườn và chân đất

Bây giờ ghe lườn chỉ còn trong từ điển. Trăm năm trước ghe lườn tung hoành sông nước. Hạ một cây sao ở bờ ranh, chọn khúc đẹp nhất, bổ đôi ra, đã nhìn thấy hai “trự” ghe thườn thưỡn trên nền đất. Đám thợ nhà vần công nhau, đục ruột, làm sạp mũi sạp lái, làm khung uốn một thời gian, xong.

Ghe không lướt sóng như mong muốn, nhưng chắc như bê tông, thách đố thời gian. Cây sao phải hàng trăm tuổi, bởi khi theo sau đội quân hùng mạnh của tướng Nguyễn Văn Thoại đi xẻ kênh miền biên ải, người dân đã được cắt cho đất mới, khai hoang, trồng sao rồi mới xẻ liếp, lập vườn.

Miệt vườn trù phú nhờ người đi khai hoang mở đất.
Miệt vườn trù phú nhờ người đi khai hoang mở đất.

Cương thổ đã xong, tướng quân đã được sắc phong ngọc hầu – Thoại ngọc hầu – đất đã chật, người đã đông. Ông là anh cả một gia tộc năm anh em trai, ông như con cá kình nghe thấy sức hút của sông nước rộng dài. Mỗi nhà một ghe lườn, buồm lá dừa nước, vượt sông Tiền rồi vượt qua sông Hậu đi dài xuống. Hỏi những ghe thuyền ngược chiều biết trước mặt có tới ba nhánh sông đổ ra biển Rạch Giá: Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tư. Bỏ qua Cái Tư nối với kênh xáng Xà No mới hình thành, đất ở đây cao giá, người đàn ông dẫn đầu năm anh em khoát tay quẹo vô một con rạch ngoằn ngoèo. Cắm sào dọ hỏi, mỗi nhà tậu một sở đất, không sát liền nhưng đều ở trong phạm vi hai giờ chèo ghe. May quá!

Một ông chọn đất biền, chỗ họ cắm sào, vừa khuếch trương nghề lá dừa nước vừa thử trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Một ông chọn nguyên một con doi chừng 100 hec-ta trồng dừa. Một ông nữa chọn thương hồ, đi tận U Minh xem sao. Một ông chấp nhận xa anh em hơn, tạt qua Cái Tư học nghề rẫy khóm. Ông trưởng đầu đàn chọn con vịnh bên dòng Cái Lớn với 3 hecta đất trầm thủy, mơ biến nó thành vườn y như Cao Lãnh mà ông vừa rời đi.

Từ đồng hoang tạo nên xóm làng trù phú.
Từ đồng hoang tạo nên xóm làng trù phú.

Cây bần, cây tràm và đom đóm. Chỉ vài ngày đã dựng xong một mái chòi. Lá dừa nước chưa kịp phơi khô, lạt bằng đọt non của cọng lá, một mùi thơm của miệt đất chua phèn. Hàng xóm bơi xuồng tới mang cho mấy trái so đũa khô, gieo đi, so đũa cho cột, cho bông làm rau ăn. Bần chín là trái cây cho ba đứa con, trái giác chua nấu với các loại cá lúc nào cũng đặc kín dưới sông, cá chốt, cá lòng tong và cả cá bống, lươn chạch trên bãi bùn. Mưa xuống cuộc sống đã lên hương, nước rửa phèn, nước cho cây trồng, mọi thứ. Sáu tháng mưa, đủ thời gian để người đàn ông trữ được nước ngọt trong mương cho mùa khô.

Mấy thứ cây con mang theo từ sông Tiền đã bén rễ ở vùng đất mới. Cây vú sữa, cây xoài cát, cây mận, cây cam cây quýt. Đất phèn quá, chúng héo rũ đi. Một năm quặt quẹo, đất được phơi nắng và mưa xuống rửa phèn một kỳ nữa. Rơm khô ngoài đồng trộn với đất mật trên bãi mùa mưa, cây gượng dậy và bắt đầu rón rén đâm cành. Vườn thổ cư loi thoi xanh chung quanh nếp nhà đã được định hình: Nền đất nện, cột tràm, đòn tay đước, vách bằng ván cây bần xẻ, mái lợp lá dừa nước cực dày phơi khô. Một nếp nhà ngỡ ngàng, bằng hoa tay của một người có khí chất tri điền. Cây hàng rào, cây kiểng khó nhọc từng năm, rồi đất hết phèn, nước ngọt quanh năm trong hệ thống thủy lợi nội mương, một khoảnh vườn thần kỳ hiện ra như cổ ích.

Người sở tại ngạc nhiên sao có người sống được bằng nghề vườn. Họ xem ông và học theo ông. Nhà nhà dành vài ngàn mét vuông đất cho cây lành trái ngọt. Một xóm vịnh sum suê, sung túc, phong lưu. Không chỉ có bần, mật ong và đom đóm nữa. Đã có các món bánh của miệt vườn từ bà vợ khéo tay của ông. Bột gạo, bột nếp tự xay phơi khô để cất, cả bột mì gửi dân thương hồ mua giúp ngoài chợ xa và những cái khuôn cho bánh bông lan, bánh gai, bánh thuẩn. Rồi các món mứt vào dịp tết, mứt dừa, mứt bí, mứt mảng cầu, mứt mận…

Cá nhiều không xoay xở nổi. Một lần ngẫu hứng đi lưới đêm của ông, bà vợ phải chuẩn bị sẵn nhân công là những phụ nữ láng giềng đốt đuốc chạy sang. Cả một ghe tôm và cá. Tôm càng xanh được thả trong rộng tre bè hai bên mạn ghe để ăn dần. Cá đành phải làm mắm làm khô, mắm ngon cần phải nhờ cánh thương hồ mua đường thốt nốt tận Châu Đốc xuống. Nghề mắm hình thành và phát triển, thành thú ẩm thực, rồi thành sự khôn ngoan cộng đồng lúc thời tiết giao mùa, trời chưa mưa, nước mặn quéo và đất xì phèn. Rồi mắm thành nỗi nhớ cho các thế hệ lớn lên và ra đi từ đó, cho tới tận bây giờ.

Miệt vườn đã được nối dài một cách tự nhiên như vậy. Truyện Kiều, truyện thơ Lục Vân Tiên được người mở đất mang theo trong ký ức. Và cây trái, ẩm thực là văn hóa của người Việt cũng đã được nối dài, rồi phủ kín khắp vùng cực Nam của đất nước. Xa nữa, trong huyết quản là hai câu thơ nói lên tất cả:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Dạ Ngân